Say mê đàn tranh từ nhỏ, đoạt nhiều giải thưởng khi tham gia các liên hoan, hội diễn toàn quốc, nghệ sĩ Thương Huyền được biết đến là một trong những gương mặt tài năng của âm nhạc dân tộc.
Nghệ sĩ Thương Huyền (hàng đầu tiên) bên lớp học đàn tranh Thanh âm Việt. Ảnh: NVCC |
Trên cương vị giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, nữ nghệ sĩ sinh ra, lớn lên ở Biên Hòa – Đồng Nai này đã và đang miệt mài “thắp lửa” đam mê, đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với người trẻ qua nhiều hình thức.
Chủ động đến với khán giả
* Chị gắn bó với đàn tranh bắt đầu từ khi nào?
– Cha tôi là nghệ sĩ đàn bầu, từ khi còn rất nhỏ tôi đã được tiếp xúc trong môi trường âm nhạc truyền thống, được xem cha và các cô chú, anh chị biểu diễn. Hơn 4 tuổi, tôi được học những nốt nhạc đầu tiên. Ngày ấy, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vì muốn tôi được học đàn, cha mẹ đã gom góp tiền mua cho tôi một cây đàn tranh mới.
Tôi đã học 7 năm đàn tranh tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, sau đó tiếp tục theo học đại học và thạc sĩ tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Tính ra, tôi học và theo đuổi đam mê với đàn tranh đến nay hơn 25 năm.
* Còn rất trẻ nhưng chị đã đoạt nhiều giải thưởng, huy chương qua các kỳ kiên hoan, hội diễn toàn quốc. Chị trải qua sự khổ luyện như thế nào?
– Đàn tranh nói riêng và các môn nghệ thuật truyền thống nói chung thời gian học quá lâu, vất vả khổ luyện nhưng không phổ biến. Thưở còn đi học, có thời điểm tôi tập đàn 8 tiếng/ngày, tay sưng rộp. Đó không phải áp lực từ gia đình hay thầy cô mà bởi tôi yêu tiếng đàn và quyết tâm học. May mắn, tôi đoạt nhiều giải thưởng qua các kỳ liên hoan, hội diễn.
Sau khi tốt nghiệp ở Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, có lúc tôi lung lay vì thấy nghề khác “hot” hơn, kiếm tiền dễ hơn. Tôi đã từng gác lại đàn tranh, theo học tài chính ngân hàng hơn nửa năm. Tuy nhiên, khi đi biểu diễn, khán giả vẫn rất yêu mến đàn tranh, điều đó khiến tôi có động lực để theo đuổi âm nhạc truyền thống cho tới hôm nay.
* Thường xuyên tham gia các chương trình âm nhạc trong nước và quốc tế, chị thấy sức sống của đàn tranh như thế nào trong dòng chảy âm nhạc đương đại?
– Không chỉ biểu diễn ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, mà tôi còn đến biểu diễn ở những quốc gia như Singapore, Hàn Quốc…, có rất nhiều bạn trẻ yêu thích và đam mê với đàn tranh. Nhiều người còn biến hóa, linh hoạt kết hợp biểu diễn đàn tranh trong nhạc dàn nhạc điện tử khiến sức sống của nó càng dẻo dai, mạnh mẽ hơn.
Nghệ sĩ Đinh Thị Thương Huyền sinh năm 1989, là hội viên Ban Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Trên con đường hoạt động nghệ thuật, chị giành được không ít giải thưởng và danh hiệu. Đáng nhớ nhất phải kể đến huy chương vàng Cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc năm 2012; huy chương bạc Liên hoan Đàn hát dân ca ba miền năm 2016; huy chương bạc Hội diễn Văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019…
Nối dài tình yêu đàn tranh
* Nhiều năm theo đuổi đàn tranh tới nay, theo chị, điều khó nhất để giới trẻ thêm hiểu và yêu thích âm nhạc truyền thống là gì?
– Để giúp giới trẻ hiểu về âm nhạc truyền thống không phải là điều quá khó. Quan trọng là cần có sự định hướng ngay từ trong gia đình, nhà trường và bản thân người học phải có tình yêu với âm nhạc dân tộc. Chỉ có tình yêu với âm nhạc truyền thống mới có thể kiên trì theo đuổi và khổ luyện.
Vài năm trở lại đây, đời sống xã hội tốt lên, nhiều gia đình đã quan tâm, cho con em đi học nghệ thuật ngay từ khi còn rất nhỏ. Các trung tâm, các lớp học dạy nhạc cụ truyền thống mở ra. Ở đó không chỉ dạy học nhạc cụ mà còn tạo cơ hội cho sinh viên sau khi ra trường được làm đúng nghề yêu thích.
* Đó cũng là lý do tạo động lực để chị còn mở các lớp dạy đàn tranh với tên gọi Thanh âm Việt?
– Năm 2023, tôi mở phòng dạy nhạc cá nhân mang tên Thanh âm Việt (đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh) với mong muốn đưa những thanh âm của nhạc dân tộc đến với cộng đồng, nhất là với những người trẻ. Thanh âm Việt hiện có hơn 30 học viên, phần lớn là các em thanh thiếu nhi. Dạy đàn tranh cho đối tượng này cần rất nhiều thời gian, cô và học trò sẽ gắn bó trong khoảng thời gian rất dài. Vì thế tình cảm rất đỗi gần gũi, thân thiết như những người cha, người mẹ… Qua tiếng đàn, giúp tôi nối dài tình yêu với nghệ thuật.
* Chị có thể chia sẻ về những dự định mà chị đang theo đuổi?
– Hiện tại, tôi vẫn đang tích cực truyền nghề mỗi ngày cả trên giảng đường và tại phòng nhạc Thanh âm Việt; đồng thời tham gia các buổi biểu diễn, giới thiệu nhạc cụ truyền thống và các dự án về âm nhạc cho cộng đồng. Tôi kỳ vọng từ các hoạt động nghệ thuật của mình, sẽ có thêm nhiều tài năng trẻ đam mê đàn tranh, tiếp tục lan tỏa… Từ đó, quảng bá âm nhạc dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế.
* Xin cảm ơn chị!
Nghệ sĩ Trần Trung, công tác tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Không chỉ sở hữu tiếng đàn tranh đẹp, truyền cảm, nghệ sĩ Thương Huyền còn rất năng động, không ngừng tìm tòi, sáng tạo đưa những câu chuyện cuộc sống đương đại vào đàn tranh. Chị tích cực tham gia các hoạt động nghệ thuật cộng đồng, góp phần lan tỏa âm nhạc dân tộc”. |
Ly Na (thực hiện)