Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài diễn ra trên địa bàn Đồng Nai, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều địa phương bị ngập sâu khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa ngập sâu trong “biển nước” khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Tài |
Nước sông lên nhanh, “rốn lũ” Biên Hòa ngập nặng
Khuya 28-10, rạng sáng 29-10, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều khu vực tại phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa bị ngập trong nước. Các khu phố: Tân Lập, Tân Cang, Miễu và Vườn Dừa là những nơi bị ngập nghiêm trọng nhất. Nhiều nơi nước dâng cao đến 1,7m, khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khó khăn, phải tạm dừng công việc để di dời đồ đạc lên cao.
Theo người dân, từ tối 28-10, nước lớn đổ về, nhiều gia đình phải thức trắng đêm kê đồ đạc, sử dụng máy bơm để đẩy nước ra ngoài. Một số hộ dân không thể ngăn nước xâm nhập nên đã thiệt hại lớn về tài sản.
Ông Lê Văn Dũng (ngụ tổ 11, ấp Hương Phước, phường Phước Tân) cho hay, toàn bộ căn nhà bị ngập nước, mực nước lên đến 1,2m khiến nhiều đồ đạc trong nhà đã bị hư hỏng. 2 vợ chồng ông Dũng quyết định nghỉ làm, “cắm chốt” để giữ nhà trước cảnh ngập sâu.
Mưa lớn, nước dâng cao cũng khiến hơn 2,6 ngàn học sinh của Trường trung học cơ sở Phước Tân 1 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) ngập sâu. Theo đó, sáng 29-10, nhà trường quyết định cho các em được nghỉ học ở nhà.
Trưa 29-10, nước chưa rút hết, ô tô của người dân vẫn bị mắc kẹt giữa “biển nước”. Ảnh: Minh Tài |
Theo thống kê của UBND phường Phước Tân, tại khu phố Miễu có khoảng 300 hộ dân ngập sâu trong nước, trong đó một số nước dâng cao khoảng 1,2-1,7m. Ngay từ tối 28-10, UBND phường Phước Tân đã phát đi cảnh báo đến người dân về tình trạng mưa lớn và nguy cơ ngập.
Đồng thời chính quyền địa phương đã huy động Công an phường, dân quân thường trực và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Cử lực lượng chốt chặn tại các điểm ngập nặng, ngăn người dân không qua lại khu vực nguy hiểm. Các phương án sơ tán dân đến nơi an toàn cũng đã được triển khai khẩn trương.
Cần chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời
Tại huyện Trảng Bom, chiều 28-10, khu vực tổ 13, ấp 2, xã An Viễn, huyện Trảng Bom bị ngập sâu trên diện rộng sau mưa lớn kéo dài. Do nước ngập, gây chia cắt nên lúc này khu vực này có 2 người không thoát ra được.
Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Trảng Bom đã nhanh chóng phối hợp cùng Công an xã An Viễn và các lực lượng khác đã kịp thời đưa được 2 người dân gặp nạn ra khỏi vùng nguy hiểm là: anh Phạm Văn Lộc (26 tuổi, tạm trú ấp 2, xã An Viễn) và anh Phạm Văn Công (39 tuổi, tạm trú phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa).
Theo ghi nhận, đến chiều 29-10, nước đã rút dần và người dân trong khu vực đã trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đề nghị người dân tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, trường hợp có mưa lớn kéo dài, nước dâng cao cần chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an toàn.
Tại huyện Long Thành, do ảnh hưởng của mưa bão, đêm 27 rạng sáng 28-10 mưa lớn cộng với nước từ các khu vực khác đổ dồn về đã khiến khu vực ấp An Bình, xã Bình An huyện Long Thành bị ngập sâu trong nước. Nước dâng nhanh đã đe dọa đến tính mạng tài sản của nhiều hộ dân trong khu vực .
Theo lãnh đạo địa phương, trên địa bàn xã có khoảng hơn 200 hộ dân tại 4 ấp của xã gồm: An Bình, An Viễng, Bàu Tre, Sa Cá đã bị ngập, nước vào nhà. Tuy nhiên, không có thiệt hại về người, nhiều hộ có thiệt hại về tài sản, các vật nuôi (gia cầm, heo…)
Mưa lớn gây ngập úng cánh đồng tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc. Ảnh: Hải Đình |
Tại Xuân Lộc, do ảnh hưởng của những trận mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ vào rạng sáng 28-10 khiến nhiều khu vực tại cánh đồng Bình Minh xã Suối Cát, ấp Tây Minh, xã Lang Minh bị ngập úng cục bộ.
Ghi nhận đến trưa ngày 29-10, lưu lượng nước tại các suối còn khá cao, tuy nhiên trên các cánh đồng, nước lũ đang được rút cạn, một số diện tích tại các đầu cống, do nước chưa rút kịp nên lúa vẫn còn chìm trong nước.
Nước dâng cao gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân. Ảnh: Minh Hạnh |
Cánh đồng xã Lang Minh có diện tích khoảng 400 hécta, đây được xem như vựa lúa lớn của Xuân Lộc. Trong đó tập trung tại 2 ấp Đông Minh và Tây Minh. Do cánh đồng ấp Tây Minh nằm vị trí điểm trũng, mỗi khi mưa lớn, lượng nước từ nhiều hướng dồn về nên xảy ra ngập úng cục bộ.
Mưa lớn còn diễn ra đến khi nào?
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 3h qua, hình thế gây mưa dông khu vực Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai chủ yếu do áp cao lạnh lục địa suy yếu. Rãnh áp thấp có trục qua Trung Trung Bộ suy yếu chậm.
Gió Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình. Qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh ra-đa thời tiết và định vị sét cho thấy vùng mây dông đang phát triển và gây mưa kèm dông, sét.
Người dân đắp cát để chống nước tràn vào nhà và sử dụng máy bơm để bơm nước ra ngoài. Ảnh: Minh Hạnh |
Trong chiều và tối đêm nay, mây dông tiếp tục phát triển, gây mưa rào, kèm theo dông, sét cho các khu vực các quận huyện trên, sau mở rộng sang các khu vực lân cận khác. Lượng mưa phổ biến từ 2-7mm, có nơi trên 10mm. Trong cơn dông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh khoảng cấp 5-7 (8-17m/s), mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Mưa lớn về chiều tối sẽ khiến nhiều nơi trũng thấp bị ngập úng gây khó khăn cho việc lưu thông cũng như sản xuất, trồng trọt của người dân. Do đó, cần chủ động di dời tài sản lên vị trí cao, tích cực phòng, chống ngập úng hoa màu, cây trồng và vật nuôi.
Trong 2-3 ngày tới, mưa sẽ giảm dần, ngày có nắng gián đoạn. Về triều cường, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai lên chậm trong 24h qua. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 2 và 3-11.
Thanh Hải – Minh Hạnh – Phan Trí – Hải Đình
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202410/nhieu-noi-o-dong-nai-ngap-nang-nhat-tu-dau-mua-mua-den-nay-fac6792/