Đồng Nai đang có nhiều dự án du lịch sinh thái rừng, hồ, thác được quy hoạch, mời gọi đầu tư. Trong số đó, các dự án du lịch theo Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) giai đoạn 2021-2030 nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai với những giá trị về thiên nhiên quan trọng. Ảnh: N.Liên |
Ngoài vị trí chiến lược trong phát triển du lịch của tỉnh, Khu Bảo tồn còn có hồ Trị An nằm trong quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia. Điều này khẳng định Khu Bảo tồn có những giá trị rất lớn về thiên nhiên, văn hóa, đa dạng sinh học độc đáo, là “chất liệu” quý xây dựng các sản phẩm du lịch địa phương.
Điểm đến cho nhiều doanh nghiệp
Khu Bảo tồn hiện đã tiếp nhận 12 nhà đầu tư xin đăng ký đầu tư các khu, điểm du lịch theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt. Khu Bảo tồn đã thành lập hội đồng thẩm định, xem xét, lựa chọn được 11/12 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu và đã có báo cáo tiến độ trình UBND tỉnh, đồng thời tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo trực tiếp về tình hình thu hút đầu tư.
Đã từng đầu tư các dự án du lịch tại nhiều địa phương trong cả nước, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư Việt Nam (ở Thành phố Hồ Chí Minh) Hoàng Tuyến cho biết, công ty đang hợp tác với các đối tác đầu tư các mô hình du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Khi tiếp nhận thông tin Đồng Nai tìm nhà đầu tư cho các dự án du lịch theo đề án của Khu Bảo tồn, công ty của ông đang xin chủ trương thuê môi trường rừng thực hiện đề án du lịch tại khu vực hồ Bà Hào. Theo kế hoạch, công ty của ông sẽ xây dựng điểm đến là khu nghỉ dưỡng kết hợp với khám phá các vườn dược liệu.
Ông Tuyến nhận định, khu vực Bà Hào có nhiều giá trị, vị trí trung tâm để đi đến các vị trí khác. Trong quá trình thực hiện, công ty nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng để đánh giá, lựa chọn địa điểm. Công ty kỳ vọng sẽ có điểm nghỉ dưỡng cao cấp, tiếp tục được hỗ trợ, khảo sát thuê môi trường rừng… Công ty dự kiến sẽ có 2 khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn 3 sao và 5 sao, thu hút mọi đối tượng du khách trong nước.
Ông Nguyễn Thành Nam (Công ty TNHH Archi, ở Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, Công ty Archi mong muốn đầu tư mô hình du lịch nghỉ dưỡng khu vực hồ Trị An với chất liệu nhẹ, thân thiện môi trường nhưng theo hướng chuẩn 4-5 sao. Khách đến có cơ hội nghỉ dưỡng và “tắm rừng”, trải nghiệm không gian thiên nhiên giữa rừng, tập trung vào nhóm khách cao cấp và nhóm khách quốc tế.
Khu Bảo tồn có những giá trị tự nhiên rất được khách quốc tế ưa thích nên đã đăng ký đầu tư để khai thác tiềm năng này. Hiện nay, hồ sơ đã bảo đảm các yêu cầu, đơn vị rất mong được tỉnh chấp thuận để bắt tay thực hiện.
Ông Nam chia sẻ, ngoài sự hỗ trợ, tạo điều kiện, thông tin rõ đến doanh nghiệp các vị trí, nhu cầu mời gọi đầu tư để thu hút nhà đầu tư của đơn vị chủ rừng, khi đến với Đồng Nai, ông còn nhận thấy con người địa phương đã có sẵn tính chất làm du lịch nên công ty có thể sử dụng lượng người lao động tại chỗ và không cần phải tìm từ nơi khác.
Theo Đề án Phát triển du lịch, Khu Bảo tồn có 51 điểm phát triển du lịch sinh thái. Định hướng các loại hình du lịch thuộc đề án của Khu Bảo tồn gồm: du lịch sinh thái – khám phá thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí trên mặt nước hồ Trị An; du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ cung cấp các sản phẩm địa phương và các loại hình du lịch, dịch vụ khác phù hợp trong khu vực.
Tạo điều kiện cho du lịch phát triển
Huyện Vĩnh Cửu là cửa ngõ đón du khách đến với Khu Bảo tồn, bởi phần lớn diện tích của Khu Bảo tồn nằm trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương chia sẻ, với vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân của một số tỉnh, thành Đông Nam Bộ, cũng như bảo đảm phát huy những giá trị của Khu Bảo tồn, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển hồ Trị An thành khu du lịch cấp quốc gia theo quy hoạch của Chính phủ, đồng thời thực hiện Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh, đây là cơ hội để vừa phát triển du lịch, vừa thúc đẩy cho sự phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Quang Phương nhấn mạnh, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp cùng Khu Bảo tồn bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn trong quản lý, khai thác các sản phẩm du lịch. Song song đó, huyện sẽ quy hoạch, đề xuất với lãnh đạo tỉnh bổ sung các dự án phát triển hạ tầng giao thông, khuyến khích phát triển thêm các hoạt động vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện, nhất là khu vực xung quanh Khu Bảo tồn, để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Phó giám đốc Khu Bảo tồn Đinh Thị Lan Hương cho biết, việc bảo vệ và phát triển rừng là trọng trách mà Khu Bảo tồn đã duy trì nhiều năm qua, cùng với sự ủng hộ của người dân trong công tác bảo tồn. Khi rừng được bảo vệ, Đồng Nai sẽ được nhận những cơ hội từ rừng như: dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ carbon… Đó là những cơ hội lớn.
Đặc biệt, Đề án Phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng mà Khu Bảo tồn xác định còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, Khu Bảo tồn sẽ chọn lựa những nhà đầu tư có tâm huyết, năng lực, có khả năng phát triển giá trị sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa để tăng nguồn thu cho Khu Bảo tồn cũng như người dân địa phương.
Ngọc Liên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202412/nhieu-du-an-du-lich-sinh-thai-rung-cho-nha-dau-tu-e346f73/