Huyện Thống Nhất có nhiều dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp, dân cư đang vướng mặt bằng, nguồn vốn, chủ trương đầu tư. Trong buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với địa phương về kinh tế – xã hội quý I-2024 mới đây, huyện đã kiến nghị và được các sở, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi, tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc.
Khu dân cư A1-C1 trên địa bàn huyện Thống Nhất mới được tỉnh tháo gỡ vướng mắc bằng cách gia hạn thời gian thực hiện. Ảnh: H.Lộc |
Việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án là giải pháp để huyện thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc
Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, trong năm 2024, huyện có nhiều dự án hạ tầng được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện và xã hội hóa. Hết quý I, công tác triển khai thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công chưa cao do vướng mặt bằng đất cao su, ngành điện chậm di dời trụ điện ra khỏi hành lang giao thông để có mặt bằng thi công, có dự án thì chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hiện có 6 dự án được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh nhưng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư là: Đường trục chính N12 – thị trấn Dầu Giây, Đường song hành phía tây quốc lộ 20 (giai đoạn 1), Đường Đức Huy – Thanh Bình, Đường ngã tư Ông Hổ – Xóm Hố A, Hệ thống thoát nước ngoài hàng rào cửa xả số 1 Khu công nghiệp Dầu Giây và Đường trục chính N13 – thị trấn Dầu Giây.
“Đây đều là những dự án cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhưng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư” – ông Hiền nêu.
Trên địa bàn huyện cũng có các dự án hạ tầng thương mại dịch vụ, công nghiệp không thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư mà thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là mặt bằng chưa giải phóng được, chưa thu hồi được đất cao su. Điển hình như các dự án: Cụm công nghiệp Quang Trung 1; Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây giai đoạn 2; Trung tâm Sát hạch lái xe; Trường Dạy lái xe…
Riêng với 2 dự án cụm công nghiệp Hưng Lộc và Quang Trung đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể, Cụm công nghiệp Hưng Lộc quy mô gần 42 hécta, chủ đầu tư là Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai gặp khó khăn trong công tác bồi thường phần diện tích còn lại nên đã kiến nghị giảm diện tích còn 23 hécta. Cụm công nghiệp Quang Trung có quy mô gần 80 hécta do Công ty CP Cơ khí xây dựng – thương mại Đại Dũng làm chủ đầu tư. Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ nhưng Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa thanh lý cây cao su nên nhà đầu tư chưa được giao đất.
Để thuận lợi thu hút nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, huyện cũng quy hoạch thêm Cụm công nghiệp Quang Trung 1 và Cụm công nghiệp Quang Trung 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương, chưa triển khai. Cụm công nghiệp Lộ 25 mới được đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Các sở, ngành, địa phương hỗ trợ huyện
Theo huyện Thống Nhất, ngành cao su đã đồng thuận chủ trương bàn giao đất nhưng vì các bên chưa thống nhất được chi phí bồi thường, hỗ trợ khác nên vẫn chưa thanh lý cây cao su, bàn giao đất thực địa. Cũng vì lý do này, các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa được bố trí nguồn vốn thực hiện.
Thời gian tới, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu nhà ở xã hội, tái định cư, dân cư và các dự án hạ tầng xã hội để triển khai thực hiện. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và cấp xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự án chuyển tiếp.
Khu vực quy hoạch 3 cụm công nghiệp: Quang Trung, Quang Trung 1 và Quang Trung 2 ở huyện Thống Nhất. |
Huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh có những giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư. Làm thủ tục chủ trương đầu tư Dự án Mở rộng Khu công nghiệp Dầu Giây và Khu công nghiệp Long Khánh; chuyển đổi công năng Khu dịch vụ, thương mại logistics (xã Lộ 25) sang chức năng khu công nghiệp… Huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ làm việc với ngành cao su để sớm có mặt bằng, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đã cho lập chủ trương và bố trí nguồn vốn thực hiện.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, việc di dời công trình điện ra khỏi hành lang giao thông thuộc trách nhiệm của ngành điện. Trường hợp huyện làm việc mà ngành điện không thực hiện thì báo cáo tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý. Đối với Cụm công nghiệp Quang Trung, mới đây sở đã tham mưu cấp lại giấy chứng nhận đầu tư. Còn về chủ trương đầu tư 6 dự án bằng nguồn ngân sách tỉnh, trước đây tỉnh đồng ý cho lập chủ trương đầu tư nhưng đấu giá đất gặp khó khăn nên chưa bố trí nguồn vốn để thực hiện.
Về vướng mắc mặt bằng đất cao su, Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình cho biết, mới đây sở đã trình văn bản về chính sách hỗ trợ khác đối với việc cưa cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai lên UBND tỉnh. Sau khi các bên thống nhất được chi phí này thì không chỉ huyện Thống Nhất, mà nhiều địa phương cấp huyện và tỉnh sẽ có mặt bằng đất cao su để triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ huyện Thống Nhất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Về di dời trụ điện, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Công thương chủ trì làm việc với Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đẩy nhanh di dời trụ điện ra khỏi hành lang giao thông để triển khai dự án. Về mặt bằng đất cao su, Sở Tài chính cùng Sở Tài nguyên và môi trường có hướng dẫn các địa phương thực hiện, về lâu dài thì Sở Kế hoạch và đầu tư ký quy chế phối hợp với ngành cao su về chủ trương thu hồi đất. Đồng thời, rà soát, xem xét, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án huyện kiến nghị, ưu tiên dự án hạ tầng kết nối.
Hoàng Lộc