Nhiều dự án bất động sản phía Nam chờ hồi sinh khi thông dòng vốn
Triển khai mở bán rầm rộ vào thời điểm thị trường nóng sốt, sau một thời gian, nhiều dự án bỗng dừng triển khai. Lý do chủ yếu đến từ việc chủ đầu tư… hết tiền.
Dự án CT Plaza Nguyên Hồng dừng xây dựng từ nhiều năm. Ảnh: Họa Mi |
Đang xây, phải dừng thi công
Năm 2018, Dự án Căn hộ du lịch Vung Tau Pearl (TP. Vũng Tàu) được Công ty Property X tiến hành mở bán cho khách hàng. Vung Tau Pearl xây dựng trên quỹ đất hơn 13.000 m2, với 4 tòa tháp cao 33 tầng, tổng số 1.787 căn hộ, giá bán từ 45 triệu đồng/m2, dự kiến bàn giao nhà cho khách hàng vào quý IV/2024. Song dù đã xây dựng tới 20 tầng, nhưng dự án này đã phải dừng triển khai từ đầu năm 2023 tới nay.
Còn tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai), năm 2018, dự án mang tên Bien Hoa Universe Complex được chủ đầu tư là Công ty Tân Văn Hoa mở bán. Theo quảng cáo, dự án được xây dựng trên diện tích hơn 28.000 m2, gồm 7 block chung cư với gần 2.000 căn hộ, giá bán từ 2,25 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ. Nhưng tới năm 2022, Dự án bỗng ngừng thi công dù đã xây dựng được hơn 20 tầng. Tới nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.
Bình Dương là tỉnh có hàng loạt dự án dừng triển khai xây dựng. Đơn cử, Dự án LDG Sky tại Khu đô thị mới Bình Nguyên (TP. Dĩ An), được xây dựng trên diện tích hơn 20.000 m2, gồm 5 tòa tháp chung cư cao 30 tầng, với 1.659 căn hộ. Dự án do Công ty LDG làm chủ đầu tư, mở bán từ năm 2018, theo kế hoạch sẽ bàn giao nhà vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, hiện dự án này đã dừng triển khai sau khi xây dựng hầm móng.
Hay như Dự án New Galaxy, do Công ty Đại Phúc làm chủ đầu tư tại TP. Dĩ An. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 29.000 m2, với 6 tòa tháp chung cư cao 20 tầng, gồm 1.900 căn hộ, hiện xây dựng tới tầng 10 và dừng triển khai từ năm 2022 tới nay.
Hàng loạt dự án khác trên địa bàn Bình Dương cũng trong cảnh tương tự, gồm: Dự án Astral City (TP. Thuận An), với gần 5.000 căn hộ chung cư, có tổng cộng 8 block cao 40 tầng, dù đã xây dựng tới tầng 8, nhưng dừng thi công từ năm 2022; hay Dự án Roxana Plaza (phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An), quy mô 1.174 căn hộ, 32 tầng, cất nóc từ ngày 31/1/2021. Song đến nay, hàng ngàn khách hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án này rất hoang mang vì chưa biết đến khi nào mới được bàn giao, bởi dự án đang dừng triển khai xây dựng, chưa hẹn ngày khởi động lại.
Với đầu tàu TP.HCM, nơi nhu cầu nhà ở rất lớn, cũng có nhiều dự án xây dựng dở dang. Chẳng hạn, Dự án CT Plaza Nguyên Hồng (quận Gò Vấp), do Công ty Nguyên Hồng làm chủ đầu tư, xây dựng trên khu đất rộng 3.403 m2, diện tích xây dựng 1.822 m2, mật độ xây dựng 53%. Tổng diện tích sàn xây dựng là 36.123 m2. Quy mô dự án gồm 2 tầng hầm và 17 tầng nổi, cung ứng 280 căn hộ có diện tích 55 – 76 m2 và 18 căn shophouse diện tích 220 – 470 m2.
Dự án được mở bán năm 2016, theo hợp đồng mua bán ký với khách hàng thì sẽ phải bàn giao nhà vào tháng 12/2019. Thế nhưng, tới nay dự án mới chỉ xây dựng tới tầng 14 và dừng thi công hoàn toàn từ năm 2021.
Tại Xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức), dự án mang tên Metro Star cũng xuất hiện cảnh những chiếc cần cẩu bất động nhiều năm. Theo đó, dự án này xây dựng trên diện tích 18.337,5 m2, mật độ xây dựng 40%, tổng diện tích sàn xây dựng là 70.493,52 m2. Quy mô gồm 2 tòa tháp với 6 block cao 25 – 30 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng cộng 1.600 căn hộ, 5 căn shophouse và 10 căn nhà phố thương mại. Dự kiến, giai đoạn I mở bán khoảng 400 căn, với diện tích 52 – 65 m2. Được bán ra thị trường năm 2018 và cam kết bàn giao nhà tháng 5/2021, nhưng tới nay, dự án mới chỉ đào hầm móng chứ chưa hề có dấu hiệu xây dựng.
Dự án sẽ hồi sinh khi thông dòng vốn
Ông Nguyễn Viết Hùng, Tổng giám đốc Westland cho biết, các doanh nghiệp dừng triển khai xây dựng dự án đều liên quan đến vấn đề tài chính và pháp lý. Khi thị trường nóng sốt, đa phần doanh nghiệp dựa vào việc phát hành trái phiếu và vốn vay ngân hàng để triển khai dự án. Nhưng từ cuối năm 2022, thị trường tài chính biến động, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, nợ và lãi phải trả cao. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng cạn vốn để thanh toán công nợ cho các đối tác xây dựng. Những khó khăn này tạo ra sức ép lớn, buộc doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án.
“Chúng tôi hợp tác với một doanh nghiệp để triển khai xây dựng dự án và bán hàng. Doanh nghiệp này trước đây dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án, tuy nhiên, sau khi ngân hàng dừng rót vốn, dự án đã phải ngừng triển khai. Hiện doanh nghiệp đang cần vốn để tiếp tục xây dựng dự án, nên tiếp cận vốn ngoài để triển khai tiếp”, ông Hùng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, các ngân hàng thương mại cần phải đổi mới cách hiểu, vận dụng thực hiện cho vay theo hướng không hạ chuẩn, nhưng “nới” hơn một chút về điều kiện vay vốn. Từ đó, hỗ trợ và tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn hiện nay.
“Đối với dự án đã có giấy phép xây dựng và khởi công, thì ngân hàng có thể xem xét cho chủ đầu tư được vay tín dụng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án, với khoản vay không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp phải dừng triển khai, gây nhiều hệ luỵ cho thị trường, khách hàng”, ông Châu khuyến nghị.