Các di tích lịch sử, văn hóa giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, dân tộc.
Các em học sinh tham quan Di tích khảo cổ Long Hưng, thành phố Biên Hòa. Ảnh: L.Na |
Tại Đồng Nai, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đã và đang được các ngành, các cấp quan tâm, song hiện vẫn còn nhiều di tích đang xuống cấp, hư hỏng cần được trùng tu, tôn tạo.
1. Di tích khảo cổ Long Hưng (xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa) là một trong 2 di tích khảo cổ được xếp hạng cấp tỉnh năm 2024. Di tích tọa lạc trong phạm vi đình Long Hưng, phát hiện trước năm 1975 và được thám sát, khai quật vào các năm 1988 và 2020. Từ đó, phát lộ nhiều di vật khảo cổ, nền móng kiến trúc thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo (khoảng thế kỷ VII-XII), văn hóa Đại Việt – thời Nguyễn (khoảng thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII).
Phó ban Quý tế đình Long Hưng Châu Ngọc Thơ cho hay, ban quý tế và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã Long Hưng rất vui mừng khi di tích được quan tâm, xếp hạng. Tuy nhiên, cơ sở cơ sở vật chất tại di tích đang bị xuống cấp, hư hỏng nhiều. Trong đó, hạng mục mái đình hư hỏng, tường nứt, ngấm nước…
“Thời gian qua, ban quý tế chưa vận động được các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo lại di tích. Ban Quý tế đình Long Hưng hy vọng sau khi được xếp hạng cấp tỉnh, các ban, ngành đoàn thể, địa phương có kế hoạch trùng tu, tôn tạo lại các hạng mục xuống cấp của di tích. Qua đó, phát huy giá trị di sản, phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân” – ông Thơ chia sẻ.
2. Mới đây nhất, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Cẩm Mỹ đã có báo cáo việc hư hại nhà tiếp đón của di tích Địa điểm thành lập Đoàn 125 – tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia và đề xuất phương án khắc phục thiệt hại gửi UBND huyện và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TTDL).
Địa điểm thành lập Đoàn 125 được Bộ VH-TTDL xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 2011. Di tích gồm nhiều hạng mục như: khu tượng đài tưởng niệm, Nghĩa trang chiến sĩ lực lượng cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, nhà đón tiếp và một số công trình phụ.
Do ảnh hưởng bão số 3, trời mưa to, gió lớn làm toàn bộ hệ thống trần thạch cao bị sập kèm theo hệ thống điện, đèn trần, toàn bộ bàn ghế trong hội trường hạng mục nhà đón tiếp bị đè sập, trần thạch cao vùi lấp. 6 micro để bàn bị hư hỏng; 2 loa treo tường, 4 máy điều hòa treo tường bị thạch cao và khung sắt cấu kiện, cùng thạch cao trần đè lên. Các thiết bị văn phòng gồm: ly, đĩa, các hình ảnh dùng trang trí, tuyên truyền gần như hư hỏng hoàn toàn.
Ngoài ra, phần trần thạch cao mái hiên đã có thấm dột, nếu có mưa to, gió lớn xảy ra, nhiều khả năng phần mái hiên còn lại sẽ có nguy cơ đổ theo.
Phòng Văn hóa và thông tin huyện Cẩm Mỹ đã phối hợp với Sư đoàn 302 khảo sát, đánh giá mức độ hư hại, đồng thời đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo khắc phục thiệt hại nhà tiếp đón của Địa điểm thành lập Đoàn 125 do ảnh hưởng của bão số 3. Trong đó đề nghị Sở VH-TTDL quan tâm, khẩn trương triển khai khảo sát, tham mưu cấp thẩm quyền cho sửa chữa đối với Di tích Địa điểm thành lập Đoàn 125; sửa chữa cấp thiết, khắc phục sớm sự cố trần thạch cao bị đổ sập hoàn toàn cùng các trang thiết bị đã bị hư hỏng nhằm đảm bảo việc tiếp đón đoàn khách đến thăm viếng, nghiên cứu, học tập tại di tích.
Để bảo đảm an toàn, mang tính ổn định, lâu dài của hạng mục công trình di tích, triệt tiêu các nguyên nhân gây xuống cấp, mất an toàn đối với di tích, địa phương đề nghị Sở VH-TTDL quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích bằng các vật liệu, phương án kiến trúc bền chắc, vững chãi; đồng thời, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường nhằm tạo điều kiện tốt cho việc phát huy giá trị của di tích.
Một di tích ở huyện Cẩm Mỹ bị xuống cấp. Ảnh: CTV |
3. Liên quan đến một số hạng mục Di tích Địa điểm thành lập Đoàn 125 – tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia. ngày 13-9 Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích.
Theo đó, Sở đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích Địa điểm thành lập Đoàn 125 – tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia. Kinh phí từ nguồn sự nghiệp (ngân sách tỉnh), do Sở VH-TTDL làm chủ đầu tư; giao Sở VH-TTDL chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án phát huy giá trị di tích.
Đối với Di tích khảo cổ Long Hưng, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa, Phòng Văn hóa và thông tin thành phố, Ban Quý tế đình Long Hưng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị Di tích khảo cổ Long Hưng nói riêng, các di tích trên địa bàn thành phố Biên Hòa nói chung.
“Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 di tích khảo cổ được xếp hạng. Với các hiện vật được các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu phát hiện qua các lần khai quật tại Di tích khảo cổ Long Hưng đã góp phần chứng minh quá trình cộng cư, sinh sống của cư dân cổ Đồng Nai. Do đó, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích là rất cần thiết” – ông Nguyễn Việt Sơn nói.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202409/nhieu-di-tich-xuong-cap-cho-trung-tu-ton-tao-aff6c5c/