“Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé mồ côi đứng trước sông Đồng Nai tự vấn: “Ông trời ơi có thương con không?”. Ngày nảy ngày nay, câu tự vấn được sửa lại, trở thành tựa sách Đời, có yêu tôi? vừa xuất bản. Đọc để tìm thấy câu trả lời: Có, có! Không, không!” – nhà báo Lưu Đình Triều giới thiệu về tác phẩm tự truyện của ông giản dị và dí dỏm như vậy.
Nhà báo Lưu Đình Triều – ảnh chụp tháng 4-2024. |
Đời, có yêu tôi? do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 4-2024, là quyển sách tự truyện gồm 18 chương, dày 440 trang của nhà báo Lưu Đình Triều được ông thể hiện với bút lực đáng nể của một nhà báo có tròn trèm 40 năm trong nghề.
Một cuộc đời nhà báo
Nghề báo bắt đầu với Lưu Đình Triều khi ông đăng ký thi và trúng tuyển lớp đại học báo chí khóa 3, Trường Tuyên huấn Trung ương I, sau đó ra Hà Nội học vào năm 1979. Từ năm 1984, ông Lưu Đình Triều chính thức trở thành phóng viên Báo Tuổi Trẻ, lần lượt trải qua các vị trí: phóng viên, trưởng ban, thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, trợ lý Tổng biên tập và về hưu năm 2014.
Ông Triều từng đi tác nghiệp ở nhiều vùng miền trên cả nước, quần đảo Trường Sa, cũng như có dịp đi nhiều quốc gia trên thế giới. Với kinh nghiệm quý báu và khả năng truyền đạt của mình, ông Lưu Đình Triều từng là giảng viên cho nhiều lớp đào tạo các thế hệ phóng viên, nhà báo khác nhau ở các tỉnh, thành.
Nhà báo Lưu Đình Triều sinh năm 1953, nguyên Tổng thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ. Hiện là Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác phẩm riêng đã xuất bản: Bật một que diêm (2009), Tổ quốc không có nơi xa (2011), Tung tăng tung tẩy… trời Tây (2021), Đời, có yêu tôi? (2024).
Tuy vậy, cuốn tự truyện Đời, có yêu tôi? vừa ra mắt độc giả có phần nội dung chính về cuộc đời rộng và đặc biệt hơn cả nghiệp báo của ông Lưu Đình Triều. “Đời có yêu tôi? – Có! Vậy mà sao đời nỡ đăt tôi vào cảnh thiệt thòi, ngang trái” – ông tự vấn ở trang đầu sách.
Là con của một gia đình cha mẹ là cán bộ cách mạng đi tập kết năm 1954, Lưu Đình Triều cùng người chị của ông được gửi lại cho bên ngoại nuôi dưỡng. Ông không ngại khi kể mình từng “sống như trẻ mồ côi từ tấm bé” ở Biên Hòa, lê la đầu đường xó chợ, được cô chú tìm thấy đúng lúc, cho học hành đàng hoàng, trải qua nhiều biến cố, may mắn có bước ngoặt quan trọng “hòa nhập cuộc sống mới” sau ngày đất nước thống nhất.
Đất nước từng chia đôi từ năm 1954 đến 1975, thì cũng ngần ấy năm, gia đình ông Triều chia cách. Thế nên ông đặt tựa chương 1 tự truyện là: “21 năm mới được gọi tiếng ba”. Nhờ thống nhất, hòa bình, ông được nhìn thấy cha ruột của mình chính là nhà báo cách mạng nổi tiếng Lưu Quý Kỳ. Tháng 2-1976, khi được cha hỏi thích làm nghề gì? Ông Triều trả lời ngay: “Con thích được làm báo như ba”.
Chính bạn quyết định số phận của mình
Nhà báo Lưu Đình Triều khi làchú bé bên sông Đồng Nai.
Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, nhà báo Lưu Đình Triều cho biết ông “rất vui, lâng lâng hạnh phúc” khi tự truyện Đời, có yêu tôi? được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-2024. “Bởi ngày đất nước thống nhất 30-4 chính là cột mốc quan trọng khiến cuộc đời tôi thay đổi về nhiều mặt” – ông Triều nói.
* Tái hiện đời mình qua tự truyện, ông tâm đắc điều gì nhất gửi đến bạn đọc?
– Cuộc đời ai cũng có lúc khó khăn nhưng nếu khoanh tay đầu hàng thì dễ… trắng tay lắm. Cứ cố vươn lên mà sống. Số phận mỗi người phần lớn là do bản thân mình quyết định.
* Ông vẫn sẵn lòng tiếp tục truyền đạt lại những lý tưởng, kinh nghiệm nghề báo cho thế hệ trẻ?
– Từ lâu tôi vẫn xem việc truyền đạt kinh nghiệm, lý tưởng nghề báo cho lớp phóng viên đi sau là nghĩa vụ cần thiết. Những gì tâm huyết, ấp ủ cùng nghề tôi thường mang ra trao đổi với các bạn trẻ. Ở chiều ngược lại, tôi cũng không quên rằng những buổi lên đứng lớp giảng dạy, tiếp xúc với các bạn phóng viên trẻ, yêu thích viết báo cũng chính là cơ hội cho tôi tiếp cận thực tế, dung nạp thông tin mới về nghề báo hôm nay.
* Xin cảm ơn ông!
Vượt qua mặc cảm, sóng gió
Nhà báo Lưu Quý Kỳ (1919-1982, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương và Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam) lúc sinh thời từng chỉ dạy người con trai Lưu Đình Triều nghiêm khắc: “Nghề báo không đơn giản chút nào. Làm báo phải dám lăn lộn để có vốn sống, có thực tế. Phải có nhận thức, biết cái nào đúng, cái nào sai…”. Ông Lưu Đình Triều suốt sự nghiệp làm báo của mình đã lắng nghe lời cha dạy, vượt qua nhiều lời gièm pha, mặc cảm, gian truân, thử thách… để được viết và làm nghề với những thành công không thể phủ nhận ở cả hai vai trò: người viết báo thích đi đây đi đó tác nghiệp lẫn người ngồi ghế quản lý, tổ chức công tác tòa soạn.
Tự truyện Đời, có yêu tôi? |
Nhiều thế hệ nhà báo trẻ đã được ông Triều phát hiện, đào tạo, nâng đỡ bằng cái tâm và mục tiêu chung cho sự phát triển của “mái nhà Tuổi Trẻ” – cơ quan ông công tác suốt 30 năm. Hành trình “gắn với chuyện làm báo” của ông được tiếp nối với nhiều chuyến đi tập huấn, truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm báo chí. Ông Triều còn đảm nhiệm cộng việc tư vấn chuyên môn cho Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 năm đầu tiên (2019-2021).
Trong phần cuối tự truyện, nhà báo Lưu Đình Triều thừa nhận đời ông “chông chênh trên sợi dây số phận”. Nói theo nhà thơ Lê Minh Quốc, một người bạn rất thân của ông Triều, thì ông Triều có sự “lột xác” kỳ thú và nghị lực “đổi đời”, là “một số phận tiêu biểu trong dòng chảy của thời cuộc”. Dẫu sao, qua bao thăng trầm, nhà báo Lưu Đình Triều tự nhắc nhở mình bằng vài câu hát trong ca khúc Bài không tên số 5 của nhạc sĩ Vũ Thành An: “Hãy cố yêu người mà sống/ Lâu rồi đời mình cũng qua”. Và ông đúc kết: “Dù đời lúc này lúc khác, yêu hoặc không yêu, thì chính tôi vẫn cần phải làm chủ đường đi lối rẽ của mình”.
Trung Nghĩa