Đồng Nai là một trong những tỉnh đi sớm, đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Một trong những yếu tố quan trọng giúp tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng này chính là chất lượng nguồn nhân lực.
Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: C.NGHĨA
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng: “Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội mới để phát triển bứt phá, đặc biệt là khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cùng với đó là hệ thống giao thông kết nối vùng hoàn chỉnh. Để nắm bắt được những cơ hội mới, cần tiếp tục đầu tư chiều sâu cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở những ngành mũi nhọn mà doanh nghiệp đang cần”.
* Đổi mới chất lượng đào tạo nhân lực
Hiện các trường đại học, cao đẳng của tỉnh đang đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, dần hướng tới những trình độ chuẩn khu vực và quốc tế. Trong cuộc cạnh tranh về đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo trình độ đại học và cao đẳng ngày càng tự làm mới mình bằng việc thay đổi tư duy, phương pháp đào tạo, từ đó tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng và khả năng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp trong các doanh nghiệp. Sự chủ động đổi mới của các cơ sở đào tạo đã mang lại lợi ích cho người học và cả doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động.
Dạy tiếng Anh tăng cường với giáo viên nước ngoài cho học sinh từ năm học 2023-2024 trở đi Từ năm học 2023-2024 trở đi, Đồng Nai chính thức triển khai Đề án Dạy tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài cho học sinh các trường phổ thông. Theo đó, ngoài số tiết học theo chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, mỗi tuần, học sinh Đồng Nai sẽ có thêm từ 2-3 tiết học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. |
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, cách đây hơn 5 năm, Trường đại học Lạc Hồng đã chủ động kiểm định chất lượng giáo dục lần đầu và đang tiến hành kiểm định lần 2 theo các tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT. Không dừng lại ở những tiêu chuẩn giáo dục đại học của Việt Nam, nhà trường đã sớm hướng đến những tiêu chuẩn trình độ Đông Nam Á và Mỹ. Cụ thể, đến nay Trường đại học Lạc Hồng đã có 10 ngành đào tạo trình độ đại học đạt chuẩn của Hệ thống Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network-AUN) và 2 ngành đạt tiêu chuẩn ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology của Tổ chức Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ Hoa Kỳ).
Cũng theo TS Lâm Thành Hiển, hiện nay trường đang đi sâu vào đào tạo những ngành mới như: Công nghệ ô tô hướng đến Việt Nam sẽ trở thành một nước sản xuất xe hơi lớn của khu vực; ngành vận tải logistics để đón cơ hội Đồng Nai sẽ có cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Phước An kết nối với cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) hay siêu cảng Cần Giờ (TP.HCM). Bên cạnh đó, từ năm 2022, trường đã mở ngành trí tuệ nhân tạo (AI), ngành thương mại điện tử và năm 2023 này là ngành truyền thông đa phương tiện. Khi bắt tay vào đào tạo các ngành này, nhà trường không đơn phương đào tạo mà có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng tính thực tiễn.
Trong khi đó, TS Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai cho hay, nhà trường đã ứng dụng công nghệ 4.0 để đào tạo. Giờ đây, sinh viên có thể thực hành trên các thiết bị máy móc tự động, công nghệ thực tế ảo nhưng cho cảm nhận như thật một cách không giới hạn. Muốn nắm bắt được xu thế đào tạo này, sinh viên buộc phải chủ động học, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế. Một yếu tố khác không thể thiếu được trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế hiện nay là sinh viên phải biết ngoại ngữ, trong đó ngôn ngữ quan trọng nhất là tiếng Anh.
* Hướng đến lợi thế nhân lực chất lượng cao
Trong nhiều năm trở lại đây, Đồng Nai đã quyết liệt thay đổi mô hình tăng trưởng; thay vì thu hút đầu tư bằng mọi giá, tỉnh đã sớm chuyển hướng sang đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động. Sự chuyển hướng kịp thời và đúng đắn này giúp tỉnh nâng cao được chất lượng tăng trưởng GRDP, đồng thời quyết định đến yếu tố phát triển bền vững. Những khu công nghiệp mới của tỉnh đang có kế hoạch mở đều hướng đến thu hút các dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.
5,5 ngàn tỷ đồng chi cho giáo dục mỗi năm Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Đồng Nai đều dành nguồn lực rất lớn phân bổ cho sự nghiệp GD-ĐT với con số khoảng 5,5 ngàn tỷ đồng (chiếm trên 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh). |
Trong chuyến công tác đến Đồng Nai của đoàn chuyên gia Trường đại học Inha (Hàn Quốc) tư vấn cho tỉnh về quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành, GS Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa Logistics Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương (thuộc Trường đại học Inha), thành viên Ủy ban Cố vấn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Đất đai và giao thông Hàn Quốc đã cho rằng, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo động lực rất lớn cho Đồng Nai phát triển, thu hút đầu tư để trở thành trung tâm phân phối các kho cảng, logistics và công nghiệp phụ trợ. Những làn sóng đầu tư mới về công nghệ cao cũng sẽ kéo theo khi hệ thống cảng hàng không, cảng biển hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, GS Ha Hun Koo cũng cho rằng, muốn tận dụng cơ hội thu hút đầu tư khi trở thành một trung tâm về vận tải hàng không, vận tải biển thì GD-ĐT phải đi trước một bước và sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực mà nhà đầu tư cần. Chất lượng nguồn nhân lực phải là lợi thế trong mắt các nhà đầu tư. Chẳng hạn như nhân lực các ngành: logistics, công nghệ hàng không, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa… Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao chính là kỹ năng ngoại ngữ, khả năng thích ứng chuyên nghiệp và năng động.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) Nguyễn Khánh Cường cho hay, nhà trường đã chuẩn bị tâm thế đón những cơ hội từ cảng hàng không quốc tế Long Thành mang lại. Minh chứng rõ cho điều này là từ 10 năm trước, trường đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Cộng hòa liên bang Đức (GIZ) đưa giảng viên sang Đức đào tạo, đồng thời đưa chương trình, thiết bị của Đức về trường đào tạo cho sinh viên ở những ngành như: công nghệ tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ robot, hàn công nghiệp, cắt gọt kim loại, điện lạnh…
Hiện nay, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã mở rộng hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu về công nghiệp công nghệ cao như: Tập đoàn Bosch, Mercedes – Benz của Cộng hòa liên bang Đức. Từ năm 2022, nhà trường chính thức bắt tay đào tạo ngành hàng không, còn mới đây nhà trường đã hợp tác với Hãng hàng không Vietjet Air đào tạo ngành nhân lực hàng không trình độ cao đẳng và trung cấp các nghề bảo trì thiết bị cơ điện, cơ khí tàu bay.
5 giải pháp tiếp tục đầu tư cho giáo dục để có nguồn nhân lực chất lượng cao
– Quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển GD-ĐT đảm bảo bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi; – Quy hoạch đủ quỹ đất cho phát triển GD-ĐT; – Tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên; – Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục công lập; – Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục. |
Công Nghĩa