Tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, anh Phạm Ngọc Thuận (ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) từng đi làm tại một số công ty. Thế nhưng, duyên nợ với nghề truyền thống lại kéo anh Thuận gắn bó cuộc đời với cây đàn guitar.
Anh Phạm Ngọc Thuận (ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, trái) đang kiểm tra các công đoạn tạo ra cây đàn guitar. Ảnh: L.Na |
* Tình yêu lớn dành cho guitar
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến xưởng sản xuất đàn với tên gọi “Thuận guitar” nằm trên đường Nguyễn Du (phường Quang Vinh) để tận mắt chứng kiến từng công đoạn cho ra cây đàn của anh Phạm Ngọc Thuận. Từ ngoài cổng vào, nhiều kiện gỗ làm đàn được xếp ngay ngắn. Anh Thuận và những người thợ trong xưởng đang cắm cúi bào gỗ, uốn thân cho đàn guitar…
Anh Thuận kể, nghề làm nhạc cụ nhiều công đoạn. Để làm ra một cây đàn, ngoài tìm kiếm các nguyên liệu tốt nhất còn phải xử lý gỗ, cắt ghép, tạo hình, lên dây, đánh bóng, hoàn thiện… Tất cả các công đoạn đều phải thực hiện theo phương pháp thủ công hết sức tỉ mỉ, đúng với kỹ thuật và yêu cầu của từng nhạc cụ. Hơn hết, mỗi người thợ làm đàn guitar phải có sự đam mê, lòng yêu nghề, cũng như khả năng thẩm âm, am hiểu về âm nhạc thì mới có thể cho ra một cây đàn như ý.
“Thời còn là học sinh cấp 2, trong trường có tổ chức văn nghệ và biểu diễn đàn guitar, tôi đã rất thích. May mắn, tôi được bác hàng xóm hướng dẫn học đàn, sau đó lại có cơ hội xem, tìm hiểu và học hỏi cách làm ra cây đàn guitar của bác. Thân tình rồi trở nên gắn bó, tôi quyết định theo bác học nghề làm đàn, theo đuổi cho đến bây giờ” – anh Thuận chia sẻ.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề làm đàn, với anh Thuận, công đoạn khó nhất trong làm đàn guitar là xử lý âm thanh, “thổi hồn” cho đàn, làm sao cây đàn đến tay khách hàng được yêu thích. Mặc dù chưa trải qua trường lớp nào về nhạc lý song với kinh nghiệm và tình yêu nhạc cụ, anh tự thẩm âm.
Cũng theo anh Thuận, thời gian đầu anh làm vì đam mê. Sau dần, thương hiệu của anh được nhiều người biết đến, đặt hàng. Anh đã mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm các thợ làm đàn, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người ở trong và ngoài địa phương.
Anh PHẠM NGỌC THUẬN chia sẻ: “Ngoài đôi tay khéo léo, người làm đàn cần phải có được sự cảm nhận tinh tế, thẩm âm chuẩn xác. Như bất cứ nghề nào khác, người làm đàn guitar cũng phải có một cái tâm trong sáng, một trái tim đầy nhiệt thành để giữ và truyền lửa tình yêu nghệ thuật đến với cộng đồng”.
* Truyền lửa tình yêu, đam mê đàn
Hiện tại, anh Thuận đã mở rộng quy mô sản xuất đàn guitar lên 2 xưởng (một xưởng để vật liệu, dụng cụ làm đàn; một xưởng hoàn thiện các chi tiết và bày biện đàn guitar) với hơn 10 thợ lành nghề. Mỗi người đảm nhiệm một công đoạn khác nhau và để cho ra đời một chiếc đàn hoàn chỉnh phải mất từ 3-5 ngày. Vì thế mà giá bán của đàn cũng khác nhau, tùy theo nhu cầu, số lượng của người mua, trung bình khoảng 3 triệu đồng/cây. Mỗi tháng, xưởng đàn “Thuận guitar” cho ra đời khoảng 80-100 sản phẩm.
Sản phẩm của Thuận guitar. Ảnh: L.Na |
Hơn 10 năm qua, không biết bao nhiêu cây đàn guitar do bàn tay anh Thuận và những người thợ của xưởng “Thuận guitar” làm ra đã được đưa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Lấy chữ tín làm tôn chỉ, đi sâu vào chất lượng của sản phẩm, anh Thuận cho hay, với những người mua, sau một khoảng thời gian sử dụng, nếu đàn “gặp sự cố” thì anh sẽ đổi lại cây đàn mới. Tiếng lành đồn xa, người này truyền tai người kia, ngày càng nhiều người đặt hàng ở xưởng của anh.
“Hiện tại, đầu ra của sản phẩm ổn định. Chúng tôi liên kết với các đại lý để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhất là đến với các nghệ sĩ có tình yêu và đam mê nghệ thuật. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên giới thiệu các công đoạn làm đàn, thương hiệu “Thuận guitar” trên các trang mạng xã hội, quảng bá, lan tỏa đến mọi người” – anh Thuận nói.
Với những kinh nghiệm tích lũy được qua thời gian, anh Thuận đã và đang tích cực truyền nghề cho nhiều người trẻ. Đã có nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đến xưởng “Thuận guitar” của anh học nghề, sau đó ra nghề và tự mở được xưởng riêng của mình, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động. Điều đó khiến anh thực sự cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Bởi mong muốn duy nhất của anh chính là truyền lửa tình yêu, đam mê với đàn guitar cho những người trẻ, góp phần gìn giữ nghề thủ công truyền thống của dân tộc.
Ly Na