(ĐN)- Ngày 2-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì phiên họp tại đầu cầu UBND tỉnh |
Tham dự phiên họp còn có Phó thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà; Phó thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, thành viên Ban chỉ đạo. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì tại đầu cầu Đồng Nai.
Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế. Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Thực tiễn triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa, cơ hội về hợp tác quốc tế. Đồng thời, nêu một số bài học kinh nghiệm cần quán triệt trong triển khai hội nhập thời gian tới. Theo đó, phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực. Phải coi hội nhập quốc tế chính là một động lực quan trọng để đổi mới và phát triển.
Phạm Tùng
.