Có hàng chục năm đeo đuổi việc thưởng trà Việt để “tìm trà”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn dành rất nhiều tâm huyết để tìm hiểu nét đẹp truyền thống trong văn hóa uống trà của Việt Nam và viết thành sách, từ đó góp phần quảng bá trà Việt ra thế giới. Sau bao năm tìm tòi khắp các vùng trà trong cả nước, thương hiệu Song Hỷ Trà của ông hiện có hơn 30 mã danh trà. Song Hỷ Trà đã được chọn làm quà tặng ngoại giao của Chính phủ và được giới thiệu trên 10 quốc gia theo chương trình Ngày Việt Nam.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: V.Thế |
Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn nhân dịp ra mắt cuốn sách Tìm trà do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Trà là nguồn sống và đam mê
* Ông có thể kể về quá trình gắn bó với trà và điều gì khiến ông tâm đắc nhất?
– Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống bán trà. Những năm 40 của thế kỷ trước cụ ngoại tôi đã có quán “chè chén” ở số 25 Nguyễn Du, Thành phố Hà Nội. Trà là thức uống tôi uống nhiều. Lớn lên được đi nhiều nơi, nhiều vùng trồng chè của Việt Nam và một số nước lân cận tôi mới hiểu thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của trà Việt Nam đã có từ xa xưa. Trà Việt Nam rất phong phú, nhiều danh trà Việt đến nay thì cái còn, cái thì mai một và dần mất đi. Đó là điều trăn trở của tôi, làm sao bảo tồn, duy trì và phát triển những danh trà nổi tiếng đã có của Việt Nam.
Có đến với các vùng chè ở Việt Nam mới sững sờ với vẻ đẹp đơn sơ nhưng ẩn chứa những điều kỳ diệu về con người và văn hóa bản địa nơi đây. Bạn cũng sẽ như tôi tự hào về trà Việt Nam của chúng ta và cũng tìm thấy niềm đam mê đến từ trà Việt.
* Gắn bó với trà, học từ trà rồi viết sách, đến nay ông đã có 4 cuốn sách nói về trà?
– Như đã nói, tôi có duyên may được đi nhiều nơi, đặc biệt là các vùng chè ở trong và ngoài nước. Tôi được gặp những cây chè hoang dại cổ thụ, những cây chè mọc tự nhiên, những cây chè trồng vài đời của người dân địa phương ở vùng chè…, gặp gỡ những con người cả một đời gắn với cây chè. Mỗi vùng chè, mỗi con người là một câu chuyện vui có, buồn có. Tất cả đều được tôi lưu lại sau mỗi hành trình điền dã của mình. Và tôi nghĩ không nên giữ riêng cho mình, mà cần phải chia sẻ cho nhiều người hơn để họ cùng tôi yêu và tự hào về trà Việt, cùng nhau lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp này.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1968, tại Hà Nội, là người sáng lập thương hiệu Song Hỷ Trà, giúp ông đưa trà Việt lan tỏa trong nước và bạn bè quốc tế. Đến nay, ông đã viết 4 cuốn sách về trà gồm: 54 giai thoại – Trà thượng ty; Phác thảo danh trà Việt Nam; Thưởng trà thật đẹp thật vui và Tìm trà vừa được phát hành. |
* Tìm trà là cuốn sách mới nhất của ông, tại sao lại “tìm trà”? Qua cuốn sách, ông muốn gửi gắm điều gì?
– Mỗi cuốn sách của tôi đều hướng tới một vấn đề. Cuốn 54 giai thoại về trà là cuốn đầu tiên. Nó chỉ là những câu chuyện trà dư tửu hậu mà tôi nghe được.
Tiếp cuốn thứ 2 là Phác thảo danh trà Việt Nam. Đó là sự trải nghiệm của tôi trên những vùng trà của Việt Nam mà tôi đã đi qua. Sách giới thiệu về các vùng trà của Việt Nam cùng những con người ở vùng đất trồng trà đó.
Cuốn thứ 3 là Thưởng trà thật đẹp thật vui. Đây là cuốn sách ảnh nói về thú vui thưởng trà của người Việt qua 6 yếu tố cần và đủ: nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ nhạc, lục trạch.
Và cuốn Tìm trà. Tại sao lại là Tìm trà. Tôi muốn trả lời câu hỏi: Trà là gì? Trà là gì mà người ta nói giàu chơi vàng, sang chơi trà và trà là gì mà ai cũng muốn khoe khoang sự hiểu biết của mình đối với trà.
Qua những cuốn sách của tôi, tôi muốn gửi gắm đến bạn đọc và người yêu trà những giá trị tốt đẹp của trà Việt, để chúng ta tự hào về bề dày lịch sử của văn hóa trà Việt và giá trị của trà Việt cần phải được nâng tầm. Mỗi cuốn sách là một cánh cửa của trà Việt được mở ra cho bạn đọc và người yêu trà.
Để trà Việt gần gũi hơn với người trẻ
* Từ thực tiễn, ông đánh giá thế nào về mức độ phát triển văn hóa trà của Việt Nam, nét đặc sắc, điểm nhấn trong thú uống trà của người Việt so với thế giới?
– Trà của người Việt là cuộc sống, trà gắn liền với đời sống sinh hoạt của các tầng lớp trong xã hội. Sinh ra, lớn lên, lập nghiệp, thành người rồi đến khi về với đất, trà đều có vai trò trong cuộc sống của mỗi người.
Hơn nữa người Việt có cách uống “chè tươi” – một cách uống giản dị vô cùng độc đáo mà không có quốc gia nào có. Nó được duy trì nhiều đời và để đến nay dù ở đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… hay trong một ngôi nhà nhỏ ở làng quê bạn cũng có thể có một bát chè tươi. Thú vị thay.
Trong 10 năm trở lại đây, một tín hiệu rất đáng mừng văn hóa trà Việt đã được nhắc đến nhiều hơn, mọi người chú ý và đến với trà Việt nhiều hơn. Trà Việt được giới thiệu từ các sự kiện ngoại giao cấp quốc gia, cấp bộ… Trà Việt theo hành trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều năm qua cũng để lại dấu ấn.
Nhiều hoạt động giới thiệu trà và văn hóa trà được tổ chức thu hút nhiều người Việt và người nước ngoài quan tâm, đặc biệt là trà Việt tiếp cận với giới trẻ Việt Nam.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn trước một cây chè cổ thụ tại vùng Tây Bắc. |
* Hiện nay xuất khẩu chè của Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới, nhưng vì sao câu chuyện xây dựng thương hiệu chè vẫn đang chưa xứng tầm?
– Tôi vẫn nhớ một bài báo có tiêu đề: Xuất khẩu trà càng cao, giá trị thu về càng thấp. Đây là nỗi buồn của ngành trà Việt Nam. Chúng ta chỉ mới xuất khẩu nguyên liệu thôi, chính vì vậy giá trị nó không cao. Việc chế biến trà của chúng ta còn nhiều hạn chế.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu Trà Việt Nam là một câu chuyện dài đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều đơn vị. Cần có sự chung tay của cấp nhà nước chỉ đạo định hướng từ vùng nguyên liệu, đến các khâu thu hoạch, chế biến. Cần lắm những người tử tế trồng trà, chế biến trà và bán trà để người tiêu dùng tiếp cận, yêu mến trà Việt, nâng cao giá trị và thương hiệu ở trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, cần thêm sự ủng hộ của giới truyền thông để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của trà Việt cũng như văn hóa trà Việt.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn trước một cây chè cổ thụ tại vùng Tây Bắc. |
* Để trà Việt là điểm nhấn, là văn hóa, nhất là đối với giới trẻ, theo ông, cần có thêm giải pháp gì?
– Trà Việt vốn có giá trị văn hóa từ lâu đời. Để phát huy giá trị truyền thống đó chúng ta cần tiếp cận với nhiều tầng lớp trong xã hội. Mỗi sự tiếp cận với khách hàng sẽ khác nhau. Các bạn trẻ hiện nay thích uống các loại nước đương đại như trà sữa, trà trái cây… Ta cũng thấy mừng vì có tiếp cận với trà. Những năm trước trà sữa thường ngọt, nhưng nay đã thay đổi cần trà sữa đậm vị trà. Vậy giới trẻ đang quay lại tìm vị trà. Đây là cơ hội để trà tiếp cận giới trẻ.
Cách thưởng thức trà của giới trẻ cũng khác với thế hệ ông cha mình, những người ưa vị đậm trà phải chát mà hậu vị ngọt… Giới trẻ tinh tế hơn, họ đi tìm hương thanh vị ngọt trong trà. Chính vì thế nhà trồng chè, chế biến trà cũng cần thay đổi để phục vụ thế hệ này. Bên cạnh đó, cần thêm các hoạt động quảng bá trà và giới thiệu văn hóa trà, đặc biệt tại các vùng trồng và chế biến trà để tạo thêm động lực phát triển mới.
Về mặt vĩ mô, cần một đầu tàu định hướng phát triển để chúng ta cùng đi trên con đường Trà Việt dài lâu.
* Xin cảm ơn ông!
Vương Thế (thực hiện)
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/nghe-nhan-nguyen-ngoc-tuan-mot-doi-rong-ruoi-tim-tra-ae81735/