Hiện Việt Nam có hơn 5 ngàn doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ. Đây được xem là ngành “xương sống” của nền công nghiệp quốc gia, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Tại Đồng Nai, công nghiệp hỗ trợ cũng được địa phương chú trọng phát triển.
Sản xuất tại Công ty TNHH SXTM Nhựa kỹ thuật VinaStar (thành phố Biên Hòa). Ảnh:V.Gia |
Từ đầu năm, các DN trên địa bàn đã nỗ lực tập trung sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của mình góp sức cùng địa phương đạt tốc độ tăng trưởng 10% trong năm nay.
Tập trung nhiệm vụ sản xuất kinh doanh
Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh Nguyên Hảo (thành phố Biên Hòa), cho hay đơn vị đã có gần 15 năm theo đuổi lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sản phẩm linh kiện, thiết bị cơ khí, máy tự động, vỏ bơm, máy phát điện của ngành gia dụng. Hiện tại, phần lớn sản phẩm của đơn vị có đối tác là những DN Nhật Bản đang sản xuất tại Việt Nam; khoảng 10% đơn hàng của Tinh Nguyên Hảo cung ứng cho DN Việt Nam và Mỹ.
Gần 1 năm trước, công ty đã đầu tư mở rộng sản xuất thêm 1 nhà máy mới ở Khu công nghiệp Tam Phước để thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong chặng đường sắp tới, khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vẫn đang đổ về Việt Nam cũng như Đồng Nai, kéo theo nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà đơn vị đang sản xuất” – ông Hùng chia sẻ.
DN mong muốn chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho cộng đồng DN nhỏ và vừa, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ được triển khai một cách thiết thực hơn. Trong đó, việc liên kết, tập hợp các DN cùng ngành nghề vào một tổ chức hoặc một khu vực sẽ nâng cao được sức cạnh tranh, tận dụng các lợi thế và có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Công ty TNHH SXTM Nhựa kỹ thuật VinaStar (thành phố Biên Hòa) đang có nhu cầu tuyển dụng 50 công nhân lao động sản xuất để đi làm ngay nhằm tập trung sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho khách hàng. Bên cạnh tuyển dụng lao động sản xuất, DN này đang tìm thêm nhân lực có trình độ, tay nghề để thiết kế sản phẩm, phát triển thị trường kinh doanh. Đối với các sản phẩm về nhựa, hiện công ty đã sản xuất ra được hàng trăm mẫu hàng theo yêu cầu của các nhà máy, ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất điện máy, điện tử, đồ gia dụng. Sản phẩm của DN đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Theo ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH SXTM Nhựa kỹ thuật VinaStar, DN đang từng bước xây dựng thương hiệu của mình. Để vươn xa, DN đặt ra những giá trị cốt lõi là chất lượng, nhân lực, đổi mới công nghệ và chú trọng vào nhu cầu của khách hàng, đồng thời bám sát các giá trị ấy để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, phát triển công ty.
Nỗ lực chuyển đổi bắt kịp nhu cầu thị trường
Công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng lớn khi Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất chế biến chế tạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các DN nội vẫn còn những hạn chế vì thiếu vốn, kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao… Các chuyên gia nhận định, việc khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân tài không thể chỉ dựa vào nỗ lực của DN, mà cần có sự hợp tác ba bên giữa Nhà nước, DN và cơ sở đào tạo.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, nhà trường là đơn vị đào tạo nhân lực chất lượng cho Đồng Nai và khu vực. Thế mạnh của trường là đào tạo về các ngành kỹ thuật và công nghệ nên trường rất sẵn sàng hợp tác với các DN trên địa bàn để có thể đào tạo nhân lực theo yêu cầu của DN. Trường đưa sinh viên đi thực tập tại nhà máy sản xuất nhằm giúp DN có được nhân sự tốt khi có nhu cần tuyển dụng.
Trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực ngày càng gay gắt, DN không chỉ cần tìm kiếm nhân tài ngay lúc này, mà còn phải đầu tư dài hạn vào chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, để có thể phát triển đúng hướng, Tinh Nguyên Hảo đang cố gắng để kết nối, đào tạo nhân lực, tham gia vào các chương trình chuẩn hóa sản xuất, đáp ứng nhu cầu với tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng. Dù đã tăng quy mô sản xuất gấp 10 lần so với ngày mới thành lập, nhưng để thực sự trở thành đơn vị có năng lực mạnh trên thị trường còn là câu chuyện phấn đấu lâu dài.
Tương tự, ông Mai Khanh cho hay, công ty đang định hướng chuyển đổi số tại một số quy trình như: quản lý định mức sản phẩm; quản lý đơn hàng, kế hoạch sản xuất, tiến độ sản xuất; quản lý quy trình áp dụng chữ ký điện tử, quản lý chất lượng, quản lý máy móc thiết bị. Trong năm 2025, các giải pháp sẽ được đưa vào áp dụng, từ đó sẽ kiểm soát các chi phí một cách tối ưu nhất. Đồng thời, việc đào tạo nhân sự cũng được công ty thực hiện liên tục, vừa đào tạo vừa định hướng và phát huy được những khả năng sáng tạo của đội ngũ nhân viên trong sản xuất, giúp DN liên tục phát triển dù có những lúc đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/nganh-cong-nghiep-ho-tro-tim-cach-mo-rongthi-truong-d0447e9/