(ĐN)- Sáng 30-10, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung trên.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (bìa phải) và các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên thảo luận ở hội trường vào sáng 30-10. Ảnh: CTV |
Thảo luận tại tổ về Dự án Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu cho rằng, quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, bên cạnh việc làm rõ vụ án, người phạm tội, hành vi phạm tội, cần bổ sung biện pháp “tịch thu, tiêu hủy” trong xử lý vật chứng; đồng thời, công khai, minh bạch, chống tiêu cực trong công tác xử lý vật chứng, tài sản.
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay cho thấy vẫn còn tình trạng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý triệt để, trong đó nhiều vật chứng, tài sản trong các giai đoạn tố tụng khác nhau thời gian dài không xử lý được, gây thất thoát, hư hỏng, tốn kém trong bảo quản.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV |
Do đó, theo các đại biểu, việc ban hành dự thảo “Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự” là cần thiết. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan; tránh làm mất mát, hư hỏng tài sản, gây ra những ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, sản xuất, kinh doanh; gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đều tán thành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Công Long tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV |
Thảo luận về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã góp ý và cho rằng thực chất tỷ lệ vốn nhà nước tham gia của 2 luật này là như nhau, Luật Đầu tư theo phương thức PPP dù tỷ lệ vốn 50% hay đến 70% thì tài sản này cũng là tài sản công, tuân thủ Luật Đầu tư công.
Theo đó, trong phương thức PPP, thống nhất cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư, khi có lợi nhuận hoặc khi có rủi ro đều phải chia sẻ chứ nhà nước không thể dành hết quyền lợi nhuận và đổ phần rủi ro cho nhà đầu tư. Về cơ chế chia sẻ này cũng cần phải quy định cụ thể hóa, linh hoạt để phù hợp với từng loại dự án.
Thanh Hải (ghi)
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/minh-bach-chong-tieu-cuc-trong-cong-tac-xu-ly-vat-chung-tai-san-0c54d6c/