Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật nhà giáo.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, điểm a khoản 5 Điều 21 về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo quy định: Trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công tác cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công tác mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa là 36 tháng.
Đại biểu đề nghị cân nhắc việc bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng, vì cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức.
Nhà giáo đã có nhiều chính sách ưu đãi theo dự thảo luật hiện nay. Từ đó đại biểu đề nghị bảo lưu chế độ, chính sách trong thời hạn 6 tháng hoặc hơn, nhưng không phải là tối đa 36 tháng.
Một số quy định về bảo lưu chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện hành được quy định bằng Nghị định của Chính phủ. Do đó, để phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong các quy định, đảm bảo không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.
“Quy định này sẽ tháo gỡ các khó khăn với nhà giáo và tính đặc thù nghề nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo. Bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Theo đại biểu, trong thời gian vừa qua, đại đa số đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực đạo đức, phẩm chất rất tốt thì vẫn còn một số giáo viên, kể cả cán bộ cấp quản lý vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn đến mức phải xử lý.
Do đó đại biểu nhấn mạnh đi đôi với việc thực hiện chính sách đặc thù tiền lương thì trong quá trình thi hành luật phải có quy định nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Tranh luận nội dung điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) mong muốn những trường hợp này phải được giữ nguyên phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Theo đại biểu, chúng ta đang thực hiện việc thu hút nhân tài và khi điều động những người này về cơ quan chuyên môn làm cán bộ quản lý, họ thường là giáo viên rất giỏi đang công tác ở các trường.
“Khi chúng ta chưa xây dựng được vị trí việc làm để tương xứng ở vị trí làm cơ quan chuyên môn thì phải bảo vệ họ, thu hút họ vào làm.
Bởi thực tế phụ cấp của cán bộ quản lý hoặc giáo viên về công tác tại phòng chuyên môn của sở giáo dục hoặc phòng giáo dục thì chỉ được hưởng phụ cấp chức vụ 25%. Trong khi đó người ta sẽ bị mất phụ cấp đứng lớp từ 30-35% và mất luôn phụ cấp thâm niên”, đại biểu dẫn chứng.
Đại biểu lấy ví dụ một giáo viên giỏi lương dưới trường đang là 10 triệu đồng, khi về sở lương chỉ còn 7 triệu. Và đằng sau những thầy cô đó là cả gia đình phải lo mà lương còn thấp hơn.
Như vậy thì những người giáo viên giỏi không về, mà họ không về không lấy được người giỏi. Trong khi chúng ta không thể tuyển một sinh viên mới về làm nhiệm vụ đó.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/luong-giao-vien-gioi-duoi-truong-10-trieu-ve-so-con-7-trieu-1423868.ldo