Trong dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, mô hình cấu trúc không gian với 5 vùng thành phố là phương án được đề xuất lựa chọn.
Kịch bản mô hình cấu trúc đô thị Biên Hòa với 5 vùng thành phố là phương án được đề xuất lựa chọn. Ảnh: Phạm Tùng |
Với mô hình này, khu vực đô thị trung tâm sẽ là tiền đề phát triển, tạo liên kết chặt chẽ, phát triển đồng đều với các khu vực lân cận thông qua trục sông Đồng Nai và các trục giao thông chính.
* 5 vùng thành phố
Đô thị được xem như là một hệ thống, mỗi hệ thống luôn gắn liền với hình thức tổ chức nhất định của các khu chức năng. Cấu trúc đô thị chính là bộ khung góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển đô thị.
Trong dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, có 3 kịch bản về mô hình cấu trúc đô thị được đơn vị tư vấn đưa ra gồm: 4 vùng thành phố (kế thừa theo định hướng quy hoạch chung thành phố đã được duyệt năm 2014); 3 vùng thành phố và 5 vùng thành phố. Với các kịch bản này, đơn vị tư vấn đã đề xuất lựa chọn phương án 5 vùng thành phố.
Với kịch bản được đề xuất, cấu trúc không gian đô thị Biên Hòa được phân chia thành 5 vùng thành phố là vùng thành phố trung tâm; vùng thành phố Tây Bắc; vùng thành phố Đông Bắc; vùng thành phố Tây Nam và vùng thành phố Đông Nam.
Theo đơn vị tư vấn, về tính chất, vùng thành phố trung tâm là vùng trung tâm mới với chức năng là trung tâm hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh. Đây cũng là trung tâm logistics, công nghiệp, sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ; là trọng điểm về an ninh quốc phòng của vùng.
Theo đơn vị tư vấn, trong 5 vùng thành phố của đô thị Biên Hòa, vùng thành phố trung tâm có diện tích hơn 5,7 ngàn hécta với quy mô dân số hơn 288 ngàn người; vùng thành phố Tây Bắc có diện tích gần 5,9 ngàn hécta, quy mô dân số hơn 468 ngàn người; vùng thành phố Đông Bắc có diện tích hơn 3,4 ngàn hécta, quy mô dân số hơn 456 ngàn người; vùng thành phố Đông Nam có diện tích hơn 5 ngàn hécta, quy mô dân số 216 ngàn người và vùng thành phố Tây Nam có diện tích hơn 6 ngàn hécta, quy mô dân số gần 471 ngàn người. |
Với vùng thành phố Tây Bắc, đây là khu vực đô thị lịch sử tập trung đông dân cư. Với cù lao Hiệp Hòa, đây là khu vực trọng điểm phát triển đô thị mới cùng với khu vực phía Tây sông Đồng Nai. Vùng thành phố Tây Bắc cũng được xác định là khu vực “hạt nhân xanh” và phát huy không gian ven sông Đồng Nai, hình thành không gian biểu tượng cho thành phố Biên Hòa.
Đối xứng với vùng thành phố Tây Bắc, vùng thành phố Đông Bắc được định hướng là khu vực cải tạo đô thị hiện hữu phát triển không trật tự. Đây cũng vẫn đang là khu vực tập trung phát triển nhà ở xã hội và tái định cư, phát triển cây xanh, công cộng, dịch vụ, thương mại.
Vùng thành phố Đông Nam là khu thành phố mới phía Đông. đô thị này gắn với cảnh quan thiên nhiên hồ nước. Đồng thời là khu vực chuyển đổi công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển du lịch sinh thái kết hợp công viên rừng trồng.
Trong khi đó, vùng thành phố Tây Nam là khu vực phát triển đô thị mới gắn liền với cảnh quan thiên nhiên mặt nước sông Đồng Nai, sông Buông. Cùng với đó, đây cũng là khu vực biểu tượng về đô thị sinh thái, hiện đại của thành phố Biên Hòa. Đặc biệt, khu vực này sẽ hình thành trọng điểm cửa ngõ phía Nam theo hướng phát triển phức hợp đô thị gắn với sự phát triển của Cảng hàng không quốc tế LongThành.
* Phải tạo được điểm nhấn cho mỗi vùng
Một trong những hạn chế hiện nay của đô thị Biên Hòa là chưa có các điểm nhấn để tạo nên nét đặc sắc riêng trong không gian đô thị.
Trên thực tế, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nên đến nay, nhiều chỉ tiêu trong phát triển đô thị của thành phố Biên Hòa vẫn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, về mặt kiến trúc, không gian cảnh quan đô thị, thành phố Biên Hòa vẫn được đánh giá là một đô thị chưa tạo dựng được các điểm nhấn, bản sắc riêng.
Sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng không gian cảnh quan cho đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng |
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho hay, quá trình phát triển đô thị Biên Hòa đã xuất hiện một số bất cập, mâu thuẫn, đặc biệt sau khi thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I.
Chính vì vậy, việc tạo ra không gian bản sắc, tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa nói chung và các vùng thành phố theo như phương án về mô hình cấu trúc không gian mà đơn vị tư vấn đề xuất là vấn đề cần đặc biệt được lưu tâm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, với phương án 5 vùng thành phố thì cần phải suy nghĩ thêm điểm nhấn của mỗi vùng. “Không chỉ phân chia cho có. Kiến trúc mỗi vùng cần mang tính đặc sắc riêng, có yếu tố riêng. Cần phải làm rõ điểm nhấn của mỗi vùng” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Việc tạo dựng điểm nhấn cần dựa vào tính chất của mỗi vùng thành phố như: vùng phố cổ, vùng đô thị mới, vùng du lịch…
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức, thành phố Biên Hòa là đô thị tỉnh lỵ của Đồng Nai, có lợi thế giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Do đó, trong quy hoạch không gian đô thị cần tính đến vấn đề kết nối hạ tầng giao thông. Đặc biệt, đô thị Biên Hòa có sông Đồng Nai nên cũng cần tính đến quy hoạch không gian ven sông. “Sông Đồng Nai có vị thế đẹp, thuận lợi để phát triển 2 bên bờ sông nên cần phải định hướng quy hoạch ngay từ bây giờ” – ông Đặng Minh Đức cho biết.
Phạm Tùng