Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25-7-2023 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu là để xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ. Các thị trường trên bao gồm gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, có nhu cầu nhập khẩu rất lớn thịt heo, gà và trứng gia cầm.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ thực hiện gần 20 vùng ATDB thuộc 5 tỉnh, thành là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM và trong đó có 4 vùng đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH). Đến năm 2030, ngoài việc tiếp tục giữ vững các vùng ATDB theo quy định của Việt Nam, tiếp tục mở rộng ra các tỉnh khác trong vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và thêm 8 vùng đạt WOAH. Những tiêu chuẩn trên là tấm vé thông hành để đưa sản phẩm thịt heo, gà, trứng gia cầm của Việt Nam xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về chăn nuôi heo, gà, gia cầm lấy trứng. Hiện thịt gà, trứng gia cầm của Đồng Nai đã xuất khẩu vào Nhật Bản và một số nước. Ngoài ra, có những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất khẩu được sản phẩm xúc xích làm từ thịt heo, gà qua gần 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, hình thành được các vùng ATDB và vùng WOAH kết nối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ tạo chuỗi phát triển chăn nuôi bền vững để xuất khẩu.
Theo những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu được thịt gà, trứng thì hơn 90% chăn nuôi của Đồng Nai được thực hiện theo mô hình tập trung, người chăn nuôi có kinh nghiệm, kỹ thuật nên việc hình thành các vùng ATDB sẽ thuận lợi hơn. Đưa được thịt heo, gà, trứng gia cầm đi xuất khẩu nông dân giảm bớt nỗi lo đầu ra bị ép giá…
Hương Giang
.