Mô hình Trồng nấm mối đen tuy đã xuất hiện tại nhiều địa phương của Đồng Nai nhiều năm qua, nhưng chỉ ở xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) mới thu hút được cả doanh nghiệp (DN) và nông dân sản xuất nhỏ lẻ đầu tư, hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất giống đến quy trình nuôi trồng và tiêu thụ.
Nấm mối đen sau khi thu hoạch được làm sạch, tuyển lựa, đóng gói trước khi cung cấp ra thị trường. Ảnh: B.NGUYÊN |
Mô hình Trồng đặc sản nấm mối đen cho hiệu quả kinh tế cao, không ngừng được nhân rộng tại địa phương và nhân rộng ra các xã, huyện lân cận. Vào mùa nấm Tết, nhu cầu tiêu thụ đặc sản nấm mối của thị trường tăng cao, nguồn cung không đủ cầu nên người trồng nấm càng yên tâm đầu tư sản xuất.
Trồng đặc sản với quy mô lớn
Khoảng 8 năm trước, gia đình chị Trần Minh Tâm là một trong những cơ sở đầu tiên tại xã Cẩm Đường bắt đầu thử nghiệm mô hình Trồng đặc sản nấm mối đen. Từ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, đến nay, cơ sở của gia đình chị đã thành lập Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt, đầu tư sản xuất với quy mô lớn. DN này chủ yếu sản xuất phôi giống nấm mối đen cung cấp khắp các tỉnh, thành trong cả nước. DN đầu tư các nhà trồng nấm mối đen, cung cấp phôi, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nấm cho các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ tại địa phương.
Theo chị Trần Minh Tâm, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt, DN đang cung cấp ra thị trường hàng tấn nấm mối đen/năm. Sản phẩm nấm mối đen của DN đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với mục tiêu xây dựng được thương hiệu riêng cho đặc sản nấm mối đen tại địa phương trên thị trường bằng uy tín, chất lượng.
Một số đại lý thu mua nấm mối đen tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành đang làm nấm sấy khô bằng công nghệ thăng hoa. Giá bỏ mối nấm sấy khô bán ra thị trường hiện nay khoảng 2,8 triệu đồng/kg. Nấm sấy khô với công nghệ thăng hoa vẫn giữ được dinh dưỡng của cây nấm, độ tươi ngon. Đầu tư làm nấm sấy khô góp phần đảm bảo đầu ra cho đặc sản nấm mối đen tại địa phương.
Cơ sở trồng nấm mối đen của ông Trần Na Uy tại xã Cẩm Đường là một trong những cơ sở trồng đặc sản nấm mối đen có quy mô lớn tại địa phương. Hiện cơ sở của gia đình ông đã đầu tư 18 phòng trồng nấm với gần 100 ngàn phôi nấm/năm. Tính cả nguồn nấm cơ sở của gia đình ông Uy thu mua từ các hộ trồng nấm nhỏ lẻ tại địa phương, cơ sở của ông đang cung cấp ra thị trường hàng chục tấn nấm/năm. Thời điểm hiện nay, nguồn cung nấm chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên nông dân trồng nấm rất yên tâm đầu tư.
Mô hình sản xuất mới cho lợi nhuận cao
Trồng nấm mối đen là mô hình nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao với diện tích sản xuất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những hộ sản xuất nhỏ lẻ chỉ cần có diện tích đất khoảng 50m2 là có thể đầu tư được 1 nhà trồng nấm mối đen.
Ông Trần Na Uy cho biết, tổng chi phí để đầu tư 1 nhà trồng nấm mối đen cần khoảng 150 triệu đồng với đầy đủ hệ thống kệ để nấm, hệ thống quạt mát, máy điều hòa phun sương điều khiển qua điện thoại thông minh, phôi nấm… Khi vô phôi nấm 1 tháng, các phòng trồng nấm sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Nấm tươi được thu hoạch 2 đợt sáng, tối/ngày. Giá nông dân trồng nấm bán lại cho các đại lý thu mua hiện nay từ 170-200 ngàn đồng/kg.
Tuy kỹ thuật trồng nấm mối đen khó hơn so với trồng các loại nấm thông thường khác, nhưng tại địa phương có các DN, cơ sở sản xuất quy mô lớn với dịch vụ tư vấn, chuyển giao quy trình trồng nấm mối đen, xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu loại đặc sản này cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mô hình này thu hút được nhiều hộ dân tại địa phương đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Kim Thảo vốn là công nhân. Sau khi mô hình trồng nấm mối đen phát triển nhanh tại địa phương, bà tìm hiểu và đầu tư 2 phòng trồng nấm mối đen. Đến kỳ thu hoạch, trung bình mỗi ngày, bà Thảo thu hoạch được hơn 20kg nấm, thu về tiền triệu mỗi ngày, trừ mọi chi phí thì mức thu nhập này cao hơn lương công nhân rất nhiều nên hiện bà nghỉ làm ở công ty để tập trung vào làm nấm.
Theo bà Thảo, điều thuận lợi là tại địa phương có DN chuyên sản xuất và cung cấp phôi giống, có đội ngũ hướng dẫn kỹ thuật đến tận nơi cầm tay chỉ việc cho người trồng nên người mới bắt tay vào trồng nấm không gặp nhiều khó khăn. Người trồng chỉ cần tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc, theo dõi để giữ môi trường ổn định cho cây nấm phát triển. Các hộ sản xuất nhỏ lẻ như bà Thảo đều hợp tác với các cơ sở sản xuất lớn tại địa phương, được bao tiêu với giá ổn định nên rất yên tâm về đầu ra.
Ông Trần Na Uy chia sẻ thêm, ngoài đầu tư trồng nấm, ông còn liên kết với nhiều hộ trồng nấm tại địa phương, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho họ. Cơ sở của ông tự đóng gói, cung cấp cho các mối sỉ, lẻ tại các thành phố lớn. Vì sản xuất nấm tại địa phương đều theo chuỗi liên kết nên giá nấm luôn ổn định ở mức người trồng có lợi nhuận tốt, không lo tình trạng giá cả biến động thất thường.
Nấm mối đen không chỉ được thị trường ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon mà đây còn là thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe, là vấn đề người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Theo nông dân trồng nấm mối đen tại xã Cẩm Đường, nấm mối đen là loại thực phẩm sạch, chỉ cần đảm bảo chặt chẽ ở các khâu nhân giống, làm nhà trồng, chăm sóc… thì quá trình làm nấm hầu như không xuất hiện dịch bệnh.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/lang-trong-dac-san-nam-moi-den-vao-vu-tet-0e63b31/