Hơn 3 năm nay, hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các làng nghề… đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, để giữ nghề và trụ vững, mỗi cơ sở, làng nghề phải tìm những giải pháp, hướng đi riêng.
Làng nghề sản xuất trầm hương tại xã Phú Trung (H.Tân Phú) lớn nhất khu vực phía Nam. Ảnh: N.LIÊN |
Các làng nghề truyền thống trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần chuyển đổi để tăng khả năng cạnh tranh và tham gia vào hội nhập. Trong đó, các làng nghề chú trọng hơn đến việc đa dạng sản phẩm, tăng nét độc đáo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào một số công đoạn để tăng năng suất, chất lượng, giảm áp lực thiếu lao động.
* Đa dạng sản phẩm
Từ năm 2020 đến nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khiến nhiều cơ sở phải thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, các làng nghề vẫn cố gắng trụ lại bằng cách đa dạng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là giai đoạn để các cơ sở nghề truyền thống cơ cấu lại, chờ những tín hiệu tích cực từ thị trường để phục hồi.
Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, dịch bệnh Covid-19, xung đột chính trị trên thế giới đã gây ra suy thoái cho nền kinh tế toàn cầu. Ngành gốm của Đồng Nai chịu tác động nặng nề khi đơn hàng giảm từ 40-50%. Các cơ sở buộc phải sắp xếp lại, cố gắng duy trì sản xuất. Để có đơn hàng, các cơ sở đã linh hoạt hơn, từ khâu nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với xu hướng mới của người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ sở cũng chủ động trong xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm và tìm doanh nghiệp liên kết để thực hiện sản phẩm.
Ngoài ra, các làng nghề gỗ mỹ nghệ từ gốc cây (H.Xuân Lộc), gỗ mỹ nghệ trang trí (H.Trảng Bom), trầm hương (H.Tân Phú), nấm (TP.Long Khánh), mây tre đan (H.Định Quán)… cũng đều gặp trở ngại về đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi cơ sở đều có những giải pháp riêng để tiếp tục sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.
Theo Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, đơn hàng của cơ sở giảm nhiều. Để duy trì sản xuất cho cơ sở ông chủ động đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm thêm khách hàng đến từ miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên. Dòng sản phẩm của cơ sở ông Lộc ngày càng đa dạng gồm: tượng, tranh phù điêu đặc sắc và có giá trị nghệ thuật cao nên được nhiều khách hàng ưa thích.
* Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn buộc các doanh nghiệp (DN), HTX, hộ nông dân không chỉ chú trọng vào khâu sản xuất mà quan tâm học cách bán hàng, đầu tư vào phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định hơn.
Gốm Đồng Nai đã xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới. Tỉnh hình thành Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để các cơ sở gốm vào sản xuất, đảm bảo các yêu cầu cho xuất khẩu. |
Làng nghề làm giò, chả ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) tồn tại hàng chục năm qua, trở thành làng nghề truyền thống với nhiều cơ sở được tiếp nối qua nhiều thế hệ tại địa phương. Ngày nay, nhiều cơ sở sản xuất truyền thống thuộc làng nghề trên đã thay đổi cách làm thủ công nhỏ lẻ bằng cách xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị, hình thành quy trình chế biến quy mô lớn theo hướng công nghiệp. Chủ các cơ sở sản xuất truyền thống trên cũng dần đổi mới về tư duy để năng động, nhanh nhạy hơn trong phát triển thị trường.
Bà Nguyễn Thị Tường Vy, chủ Cơ sở giò chả Tường Vy tại làng nghề Gia Kiệm đã đi tiên phong tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); từ hộ sản xuất nhỏ lẻ chỉ làm hai món giò truyền thống là giò lụa và giò thủ, sản lượng ít thì nay cơ sở đầu tư xưởng sản xuất với quy mô tăng gấp nhiều lần, sản phẩm cũng tăng lên thành 9 món giò, chả các loại. Bà Tường Vy chia sẻ: “Khi thị trường gặp khó khăn về đầu ra, tôi càng đầu tư sáng tạo làm thêm nhiều món chả khác nhau để đáp ứng đa dạng nhu cầu của thực khách ở mọi miền đất nước. Dù làm món ăn truyền thống nhưng tôi luôn cập nhật những kỹ năng, thông tin mới trong phát triển, mở rộng thị trường. Vài năm trở lại đây, cơ sở đẩy mạnh các kênh bán hàng online nên cung cấp sản phẩm đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước”.
Để tăng lợi thế cạnh tranh trong tình hình khó khăn, những làng nghề trồng nấm truyền thống ở H.Trảng Bom và TP.Long Khánh ngày càng chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo quy trình sạch, trở thành nhà cung cấp nấm vào các hệ thống siêu thị lớn, có đơn hàng xuất khẩu.
Ông Lê Hữu Chuyên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nấm Lộc (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) chia sẻ, HTX được thành lập, chuyển hướng sản xuất nấm theo chuẩn VietGAP vì mục tiêu xây dựng thương hiệu nấm của một xã vùng sâu bằng uy tín, chất lượng. Nhờ đó, HTX hiện đang là nhà cung cấp nấm cho nhiều hệ thống siêu thị lớn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ linh chi Minh Dũng (TP.Long Khánh) cho biết, DN đầu tư làm chứng nhận OCOP cho các sản phẩm nấm vì muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín chất lượng. Trong khó khăn, DN càng nỗ lực mở rộng thêm kênh tiêu thụ cho mặt hàng nấm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, DN có thêm một số đối tác ký kết hợp đồng xuất khẩu mặt hàng nấm dược liệu. DN đang liên kết với nhiều trang trại lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng an toàn, đạt chuẩn nhiều thị trường khó tính.
Uyển Nhi – Lê Quyên
.