Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đang được toàn xã hội quan tâm. Nhiều gia đình trên địa bàn Đồng Nai đã tìm cách định hướng cho con những cuốn sách đáng đọc thông qua việc xây dựng mô hình tủ sách gia đình.
Tủ sách gia đình của ông Hà Lam Danh (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành). Ảnh: L.Na |
Không chỉ gắn kết các thành viên, mô hình tủ sách gia đình còn góp phần thúc đẩy thói quen và kỹ năng đọc sách, gia tăng kết nối giữa cha mẹ và con, lan tỏa văn hóa đọc.
* Không gian gắn kết gia đình
Đắc nhân tâm, kỹ năng sống, sách văn học, truyện tranh, giáo dục… là những quyển sách có mặt trong tủ sách của gia đình chị Võ Thị Cẩm Lai (KP.4, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). Hàng ngày, chị luôn dành thời gian để đọc và chia sẻ nội dung trong sách với các thành viên trong gia đình. Tuy số lượng sách không quá nhiều nhưng phần lớn sách được lựa chọn theo nhu cầu, sở thích của các con.
Chị Cẩm Lai cho biết, mặc dù công việc quản lý Trường mầm non Happykids Biên Hòa khá bận rộn song chị vẫn cố gắng sắp xếp, dành thời gian cùng các con lui tới nhà sách, hiệu sách cũ hay vào trang bán hàng điện tử để tìm mua những cuốn sách hay, bổ ích. Mỗi khi có dịp đến vùng đất nào, chị cố gắng tìm kiếm những cuốn sách, tài liệu viết về lịch sử, văn hóa, giới thiệu về đất và người nơi đây để làm phong phú thêm tủ sách gia đình.
“Sách không chỉ phục vụ nhu cầu đọc của các con, các cháu mà còn phục vụ cho bà con ở địa phương”- ông Hà Lam Danh cho biết. |
“Từ khi xây dựng tủ sách gia đình, cùng trò chuyện và đọc sách, tôi hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm của con gái trong độ tuổi mới lớn. Từ đó, tôi có định hướng, giúp con biết kết hợp hài hòa việc học và nghỉ ngơi, nâng cao vốn sống, nuôi dưỡng và thực hiện ước của mình” – chị Lai chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Hà Lam Danh (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) đã kỳ công tìm đọc, sưu tầm xây dựng tủ sách gia đình với đầy đủ các thể loại như: văn học, nghệ thuật, lịch sử, khoa học… Những cuốn sách đều được ông cất giữ cẩn thận và phân loại khoa học.
Ông Danh cho hay: “Vì đam mê đọc sách và viết sách nên từ khi còn rất nhỏ, tôi đã có thói quen sưu tầm sách. Hiện tủ sách gia đình tôi có hơn 1 ngàn cuốn sách, trong đó có hơn 10 đầu sách là do tôi biên soạn, được các NXB trong và ngoài tỉnh ấn hành. Các đầu sách không chỉ phục vụ nhu cầu đọc của các con, các cháu mà còn phục vụ cho bà con ở địa phương”.
Hơn 1 tháng nay, tại gia đình chị Ka Tuyền (ngụ tại xã Tà Lài, H.Tân Phú) có rất đông thanh thiếu nhi đến đọc sách. Chị Tuyền cho biết, tủ sách được xây dựng từ sự đóng góp của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc.
“Thấy trẻ em trong ấp yêu thích đọc sách, tôi chủ động kết nối các mạnh thường quân, hỗ trợ làm tủ sách để trẻ được đọc những điều hay, nâng cao kiến thức. Để bổ sung nguồn sách mới phong phú, trong thời gian tới, thông qua mạng xã hôi, tôi sẽ tiếp tục kết nối với những người yêu sách để chung tay, thực hiện việc làm ý nghĩa này” – chị Tuyền bộc bạch.
* Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng
Theo Phó giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Thị Hồng, tủ sách gia đình có vai trò quan trọng trong sự hình thành thói quen, văn hóa đọc của từng thành viên trong gia đình, trước hết là trẻ em. Không chỉ có các gia đình chú trọng xây dựng mô hình tủ sách, phục vụ nhu cầu đọc mà nhiều cá nhân còn xây dựng tủ sách để phục vụ cho cộng đồng.
Tủ sách gia đình của chị Ka Tuyền (xã Tà Lài, H.Tân Phú) được các mạnh thường quân hỗ trợ, thu hút con em đồng bào dân tộc đến sinh hoạt |
Có thể kể đến như: Tủ sách mầm xanh dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc tại gia đình anh Đặng Thanh Hiếu (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh); tủ sách của gia đình ông Lê Nuôi (ấp Tân Bình 2, xã Lang Minh, H.Xuân Lộc); tủ sách cộng đồng Cát Tiên do anh Nguyễn Huỳnh Thuật (sáng lập viên dự án Rừng gọi Cát Tiên) thành lập cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc ở xã Tà Lài…
“Tuy quy mô không lớn nhưng các tủ sách gia đình phục vụ công cộng này đã và đang có tác dụng trong việc góp phần bồi đắp, duy trì và lan tỏa văn hóa đọc. Trong thời gian tới, Thư viện Đồng Nai sẽ tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, ủng hộ sách, báo, tạp chí… để các tủ sách gia đình phục vụ cộng đồng không ngừng được thêm sách mới, ngày càng phát triển và nhân rộng” – bà Hồng cho hay.
Lợi ích của đọc sách là nâng cao kiến thức, bồi dưỡng nhân cách và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần. Do vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của sách trong cuộc sống hiện nay, rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành, các gia đình và cả cộng đồng. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu đúng hơn về tủ sách gia đình – cái nôi nuôi dưỡng và phát triển thói quen đọc sách, là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình. Có như vậy, văn hóa đọc mới ngày càng phát triển và lan tỏa.
Ly Na
.