Vở cải lương Hào khí Hoan Châu (tác giả kịch bản: Nghệ sĩ Nhân dân Quế Anh, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà) do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thực hiện chính thức công diễn trực tuyến, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh vào tối 30-12-2024.
Một cảnh trong vở cải lương Hào khí Hoan Châu. |
Bối cảnh không gian lịch sử thế kỷ 18 cùng những lát cắt về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, gắn liền với hình tượng người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan – vua Mai Hắc Đế, vở diễn đã để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.
Đưa khán giả đương đại sống cùng lịch sử
Mở đầu, vở diễn Hào khí Hoan Châu đưa khán giả bước vào sân khấu đối lập với hình ảnh cuộc sống sôi động, xa hoa, đầy ngọc ngà, châu báu, mỹ nhân vây quanh và hình ảnh người nông dân phải gồng gánh, cống nạp lễ vật, sản vật cho quan lại nhà Đường đô hộ nước ta. Trong số những người nông dân ấy, có câu chuyện của nàng Thụy Oanh xinh đẹp bị quan đại tổng quản muốn bắt về hầu hạ nhưng nàng từ chối. Thụy Oanh được Phạm Lang tướng quân giải cứu, nhưng về đến nhà, mẹ già cùng ngôi nhà của nàng đã bị đốt cháy…
Sống trong cảnh đất nước bị đô hộ, sưu cao, thuế nặng nhưng những người dân Việt vẫn luôn làm lụng chăm chỉ, trồng trọt để cung cấp cho quân khởi nghĩa, đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Khoảng năm 713, Mai Thúc Loan cùng hào kiệt trong vùng dựng cờ khởi nghĩa, sau đó, ông lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế. Bấy giờ, vì mến phục tài năng của Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh đã đem cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển gả cho Mai Thúc Loan.
Bên cạnh tái hiện hình tượng Mai Thúc Loan, vở cải lương còn tập trung khai thác câu chuyện về hoàng hậu Phạm Thị Uyển, một người văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận. Trong trận quyết chiến ở phủ Tống Bình, bà đã dẫn một cánh quân, đem binh thuyền bày trận trên sông, giao tranh, chiến đấu ác liệt với kẻ thù. Tuy nhiên, do chênh lệch về lực lượng, dù chiến đấu dũng cảm nhưng cuối cùng, nghĩa quân do bà chỉ huy bị đánh tan vỡ. Để không rơi vào tay giặc, bà cùng số ít binh tướng còn lại đã nhảy xuống sông tự vẫn.
Vào vai hoàng hậu Phạm Thị Uyển, nghệ sĩ Phương Thảo chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi tham gia vở diễn lịch sử. Tuy nhiên, với vai Phạm Thị Uyển, vị hoàng hậu đầu tiên cầm quân ra trận để bảo vệ đất nước, cảm xúc hoàn toàn mới. Để hoàn thành vai diễn này, tôi đã đọc rất nhiều tư liệu lịch sử để hiểu về nhân vật, từ cử chỉ, hành động, lời nói… sao cho tròn vai. Qua đó, giúp khán giả trong và ngoài tỉnh khi xem vở diễn sẽ hiểu hơn về lịch sử dân tộc và yêu mến câu chuyện của hoàng hậu Phạm Thị Uyển”.
Lần đầu tiên tham gia vào vai phản diện Lý Phong – tướng nước Nam nhưng theo giặc “cõng rắn cắn gà nhà”, nghệ sĩ Hoàng Việt Trang cho biết, đây là một vai diễn khác hoàn toàn so với tính cách của anh. Anh kỳ vọng với vai diễn khác biệt này sẽ đem lại cho khán giả những cảm xúc vỡ òa, những điều mới mẻ xung quanh nhân vật – điểm khác so với các nhân vật chính diện hay các vai về nhà vua mà anh từng đảm nhiệm.
Vở diễn Hào khí Hoan Châu lồng ghép kể câu chuyện tình yêu giữa vua Mai Hắc Đế và hoàng hậu Phạm Thị Uyển; hay chuyện tình dang dở của Thụy Oanh và Phạm Lang tướng quân… Vở diễn có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ trẻ, tài năng của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai như: Hoàng Linh vai Mai Thúc Loan, Phương Thảo vai Phạm Thị Uyển, Hoài Minh vai Phạm Lang tướng quân, Thanh Thảo vai Thụy Oanh, Thành Vinh vai Phùng Hạp Khanh, Hoàng Việt Trang vai Lý Phong, Đông Nguyên vai Quang Sở Khách…
Khán giả yêu mến sân khấu cải lương và những câu chuyện về lịch sử có thể xem lại vở Hào khí Hoan Châu trên kênh Facebook của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Ngoài ra, nhà hát còn giới thiệu nhiều vở diễn, trích đoạn cải lương như: Đồng chí, Thánh Chân công chúa, Ánh nhật nguyệt, Máu nhuộm thành Cô Tô…
Thông điệp lớn từ những điều bình dị
Nghệ sĩ Nhân dân Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, cho hay vở diễn không đao to búa lớn mà xây dựng hình tượng người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan dung dị, đời thường và gần gũi. Những câu chuyện xung quanh ông giúp khán giả đương đại được sống cùng những cảm xúc của một thời đại lịch sử.
“Khởi nghĩa Hoan Châu có những thông điệp gần với hôm nay, đó là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, cùng nhân dân đánh tan quân xâm lược, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Trong cuộc khởi nghĩa này, Mai Thúc Loan đã quy tụ được các lực lượng để đồng tâm hiệp lực cùng chống lại kẻ thù lớn, kẻ thù chung. Khí chất, tinh thần của Mai Thúc Loan và của hoàng hậu Phạm Thị Uyển tạo tiền đề để các cuộc khởi nghĩa sau tiếp tục diễn ra, giành thắng lợi cuối cùng” – nghệ sĩ Quế Anh nói.
Theo thạc sĩ Phùng Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, lịch sử viết về Mai Thúc Loan không nhiều và cũng chưa đầy đủ nhưng công chúng đều rõ đây là vị vua đã nêu tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự cường, tự tôn dân tộc. Vở diễn sử dụng màn hình led rất ấn tượng, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc… theo kịp với diễn biến của nhân vật và câu chuyện, nhiều đoạn ca diễn hay, những lát cắt lịch sử được chọn cô đọng nhất.
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai trong việc dàn dựng, tập luyện, biểu diễn nhằm mang đến cho sân khấu cải lương vở diễn hay; đồng thời nhấn mạnh, việc đưa đề tài về lịch sử lên sân khấu cải lương, công diễn phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh là một trong những cách hay, sinh động, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/lam-moi-de-tai-lich-su-tu-vo-cai-luong-hao-khi-hoan-chau-7614bf2/