Cùng với việc gia tăng thu hút đầu tư dự án mới từ các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước thì trên địa bàn tỉnh, các DN đã từng bước ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Một số DN đã mạnh dạn đầu tư lớn vào công nghệ và sản phẩm mới, chiến lược để định hình cho tương lai phát triển của mình.
Lãnh đạo tỉnh, địa phương và các doanh nghiệp tham quan nhà máy theo công nghệ mới của Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương. Ảnh: Hoàng Lộc |
Bên cạnh nỗ lực từ mỗi DN, Đồng Nai cũng đang tích cực chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và sản phẩm mới
Tháng 5-2024, Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam đã khánh thành nhà máy thứ 3 tại Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa). Nhà máy mới của Fleming có quy mô 1,3 hécta, được thiết kế hiện đại. Trong đó, nhà xưởng cao 21m, cách nhiệt mái và tường, cùng với hệ thống thông gió và quạt công nghiệp lớn. Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất còn được trang bị nhiều máy móc hiện đại, không gian làm việc kết nối với các mảng xanh xung quanh là những đặc điểm nổi bật.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam thì DN đang áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến để giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm sử dụng năng lượng và giảm phát thải. Qua sản xuất xanh, sản phẩm làm ra đã được khách hàng đánh giá cao và mua nhiều hơn vì thân thiện với môi trường.
Với Đồng Nai, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn bao gồm: công nghiệp hàng không; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin. Các nhóm sản phẩm mũi nhọn sẽ được tạo lập và hỗ trợ bởi hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, trong đó hạt nhân là 5 phân ngành chủ lực là chế tạo máy và cơ khí chính xác; điện, điện tử; phương tiện vận tải; hóa chất; sản xuất, chế biến thực phẩm.
Mới đây, cuối năm 2024, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (huyện Vĩnh Cửu) đã khánh thành, đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất ống cấp nước bê tông nòng thép dự ứng lực theo công nghệ tiên tiến từ Hoa Kỳ. Nhà máy được đầu tư 300 tỷ đồng trên diện tích 2 hécta trong khuôn viên của công ty.
Theo Tổng giám đốc công ty Đào Văn Hạc, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Công ty Hùng Vương đặc biệt thành công với ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các cấu kiện bê tông đúc sẵn phục vụ chuyên ngành thoát nước. Với việc đầu tư các công nghệ mới nhất, Hùng Vương đã đưa việc sản xuất các loại ống cống từ thủ công thành sản xuất công nghiệp hiện đại và khả năng cung ứng lớn. Từ sản xuất ống thoát nước, công ty vừa tiến thêm một nấc thang cao hơn bằng đầu tư nhà máy ống cấp nước bê tông nòng thép dự ứng lực với công nghệ hiện đại nhất ở Việt Nam tại thời điểm này. DN mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ địa phương, ngành xây dựng, đối tác trên cả nước để sản phẩm mới được cung ứng rộng rãi hơn với giá thành cạnh tranh cao.
Chuyển đổi nhằm nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai
Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh nhận định, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi công nghệ và đầu tư công nghệ mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhất là nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Thực tế là việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm hỗ trợ hiện nay rất khó khăn, bởi tại Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy đã hơn 85% diện tích tại các khu công nghiệp. Muốn thay đổi phải có lộ trình phù hợp và sự nỗ lực, quyết liệt từ địa phương.
Lãnh đạo tỉnh, địa phương và các doanh nghiệp tham quan nhà máy theo công nghệ mới của Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Vương Thế |
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, việc chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao đang là vấn đề đặt ra cho mỗi DN. Các hoạt động đổi mới sáng tạo cần phải được xem là động lực phát triển cho DN trong quá trình nâng cấp sản phẩm hoặc tạo sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh. Những vấn đề này cần đưa vào bộ tiêu chí xét duyệt đăng ký đầu tư, gia hạn, giải thể, hỗ trợ DN… của Chính phủ và các địa phương.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhận định, ngành công nghiệp Đồng Nai hiện nay đã có những bước tiến trong việc áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, không ít DN vẫn sử dụng công nghệ cũ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm; bên cạnh đó, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do đó, Đồng Nai xác định chuyển đổi công nghệ không chỉ là yếu tố then chốt giúp các DN nâng cao năng suất, giảm chi phí, mà còn là nền tảng để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tỉnh mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp từ chuyên gia, DN trong đề xuất các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp, thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư mới. Từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi công nghệ trong các ngành, lĩnh vực đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/khuyen-khich-doanh-nghiep-dau-tu-cong-nghe-va-san-pham-moi-18f6001/