Bên cạnh “bức tranh” khả quan về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), tại Hội nghị Giao ban KT-XH, quốc phòng – an ninh tháng 8 và 8 tháng của năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 2 “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm đã được nhận diện.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh:P.Tùng |
Tham dự và chủ trì hội nghị có Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng.
“Nhiều nơi làm được, nhưng mình cứ chần chừ”
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8 và 8 tháng năm 2024 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước khá ổn định… Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 7,3%, mức tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn phát triển ổn định. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường ít biến động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 13%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng hơn 32%… Đến cuối tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 40 ngàn tỷ đồng, đạt 72% dự toán Trung ương giao, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình, dự án trọng điểm là những “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay. Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, tính đến ngày 22-8, toàn tỉnh đã giải ngân gần 5,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 34% kế hoạch (tính theo Thủ tướng giao kế hoạch thì tỷ lệ giải ngân đạt 55%).
Đánh giá về tiến độ thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, hiện nay, so với cả nước thì Đồng Nai đang quá chậm. Đối với Đồng Nai thì không thể nào để chậm hơn được nữa, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian còn lại của năm 2024, các đơn vị liên quan phải đặt quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn.
“Khẩu lệnh hành động của Thủ tướng Chính phủ là rất quyết liệt “vượt nắng thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, “bàn làm không bàn lùi”. Đó là những khẩu lệnh hành động thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và nhiều nơi đã làm được nhưng mình cứ chần chừ” – đồng chí Hồ Thanh Sơn chỉ rõ.
Công tác phối hợp còn nhiều hạn chế
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, 2 “điểm nghẽn” lớn là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm còn chậm. Hiện Đồng Nai đứng thứ 52/63 tỉnh, thành về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tiến độ các dự án giao thông liên tỉnh như: Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh thì các địa phương khác có khối lượng xây lắp rất lớn, trong khi Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Một vấn đề nổi lên khiến cho tiến độ các công trình, dự án trọng điểm bị chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp là công tác phối hợp giữa các đơn vị. Dẫn chứng tại Dự án Xây dựng khu tái định cư Long Phước để phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với đơn vị kiểm lâm nên phải mất 6 tháng mới có thể thanh lý được rừng tràm phục vụ xây dựng. Dự án Cầu Phước An cũng vậy, chuyển đổi một diện tích nhỏ rừng nhưng làm rất lâu. Công tác phối hợp giữa các đơn vị thời gian qua còn rất yếu. Các ban quản lý dự án của tỉnh phải xem xét lại vai trò điều hành của mình. Vì 4 công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn không vướng mặt bằng, có đủ tiền mà vẫn chậm tiến độ.
Để thúc đẩy tiến độ các dự án, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng lại đường gantt giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị theo từng tuần, tháng từ nay đến cuối năm để theo dõi, đôn đốc tiến độ giải ngân. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu, Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu thành lập các tổ công tác để làm việc với các địa phương, các chủ đầu tư, kiểm tra, đôn đốc tiến độ từng dự án. Sở Nội vụ theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể.
Phạm Tùng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-khong-the-de-cham-hon-duoc-nua-59c6fb5/