Từ một giáo viên giảng dạy tin học, sau thời gian nghỉ việc vì điều kiện hoàn cảnh, chị Trần Thị Tuyết Mai (ngụ ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đã khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau khí canh với hy vọng đem lại nguồn rau sạch đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Chị Trần Thị Tuyết Mai chăm chút cho từng trụ rau. Ảnh: N.Sơn |
Ngã rẽ…
Vốn đam mê với máy tính, công nghệ nên khi cha mẹ muốn chị Tuyết Mai trở thành cô giáo thì chị thi vào ngành sư phạm tin học của Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn thành chương trình đại học, chị trở về làm giáo viên môn Tin học tại Trường trung học phổ thông Thống Nhất.
“Ra trường, có việc làm ngay, lại được ở gần nhà, ai cũng bảo tôi may mắn. Đặc biệt, cha mẹ cảm thấy yên tâm khi tôi có việc làm ổn định mà không phải xa nhà. Vì vậy, trong suốt những năm đứng trên bục giảng, tôi luôn cố gắng để gắn bó, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” – chị Tuyết Mai bộc bạch.
Đến khi lập gia đình, có 3 con nhỏ, áp lực công việc ở trường, ở nhà ngày một lớn, chị quyết định dừng sự nghiệp để dành thời gian chăm lo cho gia đình, chăm sóc các con.
Chị Tuyết Mai cho hay: “Biết tin tôi nghỉ việc, nhiều người thân quen, nhất là cha mẹ tôi, đều bày tỏ sự tiếc nuối và khuyên tôi không nên từ bỏ công việc cao quý và ổn định này. Tuy nhiên, vì điều kiện hoàn cảnh, tôi vẫn quyết định nghỉ việc để có nhiều thời gian chăm sóc con và làm những việc mà mình yêu thích”.
Chị TRẦN THỊ TUYẾT MAI cho biết, mô hình này đã được chị viết thành dự án tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Sau khi nghỉ việc, ngoài thời gian cho gia đình, chăm sóc các con, chị Tuyết Mai đã thử sức bằng việc bán mỹ phẩm online. Đặc biệt, trong quá trình lướt mạng xã hội, chị Tuyết Mai đã nhận thấy được vấn đề “rau bẩn” với lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất tồn dư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Thêm vào đó, bản thân chị và những người thân trong gia đình đã từng là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi nạn “rau bẩn”. Vì vậy, chị đã mày mò tìm hiểu và biết đến mô hình trồng rau bằng phương pháp khí canh.
Đây là phương pháp trồng rau mới có nhiều ưu điểm; không sử dụng đất, nước để trồng rau, mà sử dụng chất dinh dưỡng và nước dưới dạng phun sương, phun trực tiếp vào gốc rễ của cây trồng. Điểm đặc biệt là không cần diện tích đất rộng, rất phù hợp với những không gian đô thị chật hẹp hoặc trồng trên tầng cao. Trong khi đó, rau trồng bằng phương pháp này được đánh giá là chất lượng hơn so với các phương pháp trồng rau khác.
Mô hình phù hợp với không gian đô thị
Chị Tuyết Mai cho hay, mặc dù nhận thấy tính ưu việt của phương pháp trồng rau này nhưng để đảm bảo chắc chắn trước khi thực hiện mô hình, chị tìm đến các điểm đang trồng rau khí canh để học hỏi kinh nghiệm. Và từ tháng 3-2023, chị bắt đầu đầu tư 4 trụ trồng thử để lấy rau cho gia đình ăn.
Mỗi trụ trồng rau được cấu tạo gồm: 1 ống nhựa phi 200 có chiều dài 1,85m, được khoét 45 lỗ phi 60 để đặt rọ trồng rau, 1 thau nhựa đường kính tối thiểu 60cm, 1 béc tưới phun sương. Ngoài ra, còn có các ống nhựa dùng để hồi lưu và đẩy nước tưới cho các trụ. Việc tưới nước cho rau được vận hành bằng tủ điện lập trình sẵn thời gian tưới. Tùy theo nhiệt độ, độ ẩm thực tế để cài đặt thời gian. Phân bón dùng cho rau khí canh là dạng phân bón tinh khiết có đủ các chất mà cây cần hòa tan vào nước.
Sau 3-4 lần trồng thử nghiệm, chị Tuyết Mai thấy rau trồng bằng phương pháp khí canh phát triển dễ, lại không mất quá nhiều thời gian chăm sóc. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện nay có nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng nhiều… Từ đây, chị có ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng rau khí canh.
Từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, mô hình này chính thức được chị nhân rộng trên diện tích 50m2 với khoảng 60 trụ. Hiện mô hình của chị đang trồng các loại rau: xà lách, cải bó xôi, cải xanh, cần tây, rau thảo dược, dưa leo, cà chua… Rau sau khi ươm được 2 tuần sẽ được đưa vào rọ để lên trụ. Tính bình quân khoảng một tháng, mô hình của chị cho thu hoạch một đợt (tính từ khi rau đưa lên trụ), cung cấp ra thị trường từ 240-300kg rau sạch.
Không chỉ cung cấp rau sạch, để các gia đình có thể tự trải nghiệm trồng rau sạch, chị Tuyết Mai còn nhận thi công lắp đặt trụ trồng rau khí canh. Theo tính toán của chị, chi phí đầu tư cho hệ thống trồng rau khí canh 4 trụ với đầy đủ thiết bị như: máy bơm, tủ cài đặt sẵn hệ thống phun tới, các rọ để trồng cây và dinh dưỡng sẽ có chi phí đầu tư khoảng 7,4 triệu đồng. Mỗi gia đình có thể lắp đặt từ 4-6 trụ hoặc nhiều hơn tùy vào nhu cầu sử dụng rau. Mô hình này có thể lắp đặt xung quanh nhà đối với những gia đình còn quỹ đất hoặc có thể lắp đặt trên sân thượng đối với những gia đình ở đô thị.
Với lợi thế về công nghệ thông tin, chị Tuyết Mai đã lan tỏa mô hình này trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, chị đã nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với những khách hàng ở xa, chị gửi qua đơn vị vận chuyển và hướng dẫn lắp đặt, vận hành qua video clip.
Nga Sơn
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202502/khoi-nghiep-voi-mo-hinh-trong-rau-khi-canh-29f64b0/