Ngày 02/7, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thí điểm mạng lưới Công đoàn (CĐ) các Khu Công nghiệp (KCN) giai đoạn 2018 – 2023 và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2028.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Công đoàn khu công nghiệp là một cơ chế tổ chức đặc biệt của hệ thống Công đoàn Việt Nam, được Tổng Liên đoàn thí điểm thành lập vào năm 1997 xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tình hình quan hệ lao động và nhu cầu tăng cường công tác tổ chức, đại diện người lao động tập trung trong các khu công nghiệp. Hoạt động thành lập công đoàn khu công nghiệp được triển khai thí điểm đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Cần Thơ, sau đó mở rộng thí điểm ở tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau 5 năm triển khai thí điểm, Mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp (KCN) đã xác định rõ hơn và từng bước khẳng định được vai trò đối với hoạt động công đoàn các KCN.
Đến nay, cả nước đã có 50 công đoàn các KCN được thành lập tại 48 tỉnh, thành phố với 7.356 công đoàn cơ sở, tập hợp gần 2,6 triệu công nhân lao động trong các khu công nghiệp tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam (chiếm khoảng 35% tổng số đoàn viên công đoàn khu vực doanh nghiệp và 24% tổng số đoàn viên công đoàn cả nước). Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định, đây là địa bàn hoạt động trọng tâm, có tính chiến lược của tổ chức công đoàn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua công đoàn các KCN đã tiếp nhận 9.193 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, người lao động gửi đến tổ chức công đoàn (trong đó năm 2023 là 1.416 lượt), đơn tập trung vào một số vấn đề khiếu nại về hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các hoạt động còn có những khó khăn, vướng mắc như hoạt động của Ban Liên lạc mạng lưới chưa đều, chưa thường xuyên; việc triển khai chương trình, kế hoạch công tác hằng năm chưa thực sự hiệu quả và sát thực tế.
Quang cảnh Hội nghị. |
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, LĐLĐ các tỉnh, thành phố có KCN và các công đoàn các KCN tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào chương trình, kế hoạch công tác công đoàn. Hàng năm, xây dựng chương trình công tác và xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm có liên quan trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để ưu tiên tổ chức thực hiện. Hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở nâng cao năng lực thương lượng, đàm phán về thỏa ước lao động tập thể và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ để tạo sự lan tỏa đến các doanh nghiệp cùng ngành, nghề, cùng địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: “LĐLĐ các tỉnh, thành phố có KCN và các công đoàn các KCN phải nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn thường xuyên theo dõi, tham mưu, giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm an ninh công nhân, không để bị động, bất ngờ. Tập trung mọi nguồn lực trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nghiệp đoàn cơ sở, hiện nay độ phủ đoàn viên mới chiếm tỉ lệ 92% so với tổng số công nhân lao động trong các KCN. Tập trung cao độ triển khai trong tháng cao điểm (tháng 7/2024).”
Tại hội nghị, đã có nhiều tham luận của các công đoàn KCN trên cả nước về “Giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐCS nhằm thu hút, tập hợp người lao động tham gia công đoàn”https://dangcongsan.vn/thoi-su/,”Vai trò của cán bộ mạng lưới công đoàn các KCN trong hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ CĐCS thương lượng tập thể tại doanh nghiệp”…/.