Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất là nội dung mới ở Luật Đất đai năm 2024. Tận dụng được điểm mới này của luật, Nhà nước trở thành nhà cung cấp quỹ đất lớn nhất để triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua đấu giá hoặc đấu thầu sử dụng đất.
Khai thác quỹ đất là quy định mới trong Luật Đất đai năm 2024. Trong ảnh: Cầu Hóa An ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc |
Đây là quy định tác động tích cực đến sự phát triển của địa phương, nhà đầu tư và nguồn tài nguyên đất.
* Nhà cung cấp đất lớn nhất thị trường sơ cấp
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ chia sẻ, một trong những điểm mới, tích cực của Luật Đất đai năm 2024 là quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Quy định này là cơ sở cho địa phương trong việc tạo quỹ đất, nguồn thu để có vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Hạ phân tích, Luật Đất đai hiện hành không đề cập đến nội dung này nhưng luật mới thì dành hẳn chương VIII cho phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Trong chương này quy định cụ thể nguyên tắc, yêu cầu việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất là phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Khi Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất từ quỹ đất này, toàn bộ địa tô chênh lệch sẽ “chảy” vào ngân sách để phục vụ lợi ích công cộng. Khi đó, việc thu hồi đất sẽ được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người bị thu hồi đất và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, giảng viên Trường đại học Kinh tế – Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới và các quy định trong quản lý, sử dụng đất cũng chặt chẽ hơn. Điều này giúp cơ quan quản lý nhà nước yên tâm, mạnh dạn hơn trong đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án sử dụng đất. Đồng thời, nhà đầu tư cũng được bảo đảm lợi ích hợp pháp, không lo xảy ra tình trạng đầu nậu núp bóng chủ đất gây khó dễ.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Một trong số đó là khai thác quỹ đất. Tỉnh đang đợi luật có hiệu lực để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực này, gắn với việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại.
|
Về nội dung khai thác quỹ đất, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng, quy định này rất có lợi cho địa phương trong việc tạo ra quỹ đất đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tái đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Trên thực tế, từ năm 2022, Đồng Nai đã ban hành 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông nhằm tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng, tăng thu ngân sách. Theo các đề án này, tỉnh sẽ có hơn 1,5 ngàn hécta đất để đấu giá quyền sử dụng đất, ước sẽ thu khoảng 34 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là đề án mới, quy trình thủ tục, nhất là thu hồi đất còn vướng mắc, thêm vào đó, thị trường bất động sản trầm lắng, đấu giá đất không thành công nên khai thác quỹ đất không như kỳ vọng.
* Tăng nguồn thu cho ngân sách
Khai thác quỹ đất lợi thế gần các dự án hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển, khu đô thị thương mại… sẽ đem lại lợi ích “kép” cho tỉnh, bởi có thể tăng nguồn thu cho ngân sách và tìm những nhà đầu tư có thực lực triển khai các dự án theo quy hoạch để phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng Nai có vị trí đắc địa, lại đang trong quá trình triển khai nhiều dự án lớn, nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nên thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nhưng bên cạnh các lợi thế cũng có những khó khăn là: giá đất cao, gây trở ngại cho nhà đầu tư. Tới đây, khi quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất có hiệu lực thì tỉnh sẽ có thêm quỹ đất đáp ứng nhu cầu phát triển và có thêm nguồn thu từ đất. Mặt khác, việc các khu đất khai thác được quy hoạch bài bản trước khi đấu giá sẽ giúp tỉnh phát triển các dự án hạ tầng, khu đô thị theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng phát triển manh mún, lãng phí nguồn lực đất đai vì chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Theo Phó giám đốc Phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Nguyễn Hồng Quế, công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt với dự án giao thông, là khâu “gian nan” nhất, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, làm chậm nhịp phát triển. Nguyên nhân là phần lớn dự án đều phải thu hồi đất ở của nhiều hộ dân nhưng tái định cư thường đi sau, chính sách bồi thường và hỗ trợ chưa sát với thực tế và chưa đáp ứng mong muốn của người dân. Để khai thác quỹ đất hiệu quả, cần đảm bảo nguyên tắc, quy trình và đội ngũ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đồng bộ và chuyên nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế ví von, quy định khai thác quỹ đất là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách và là nguồn lực to lớn để địa phương đầu tư phát triển mà không phụ thuộc nhiều vào ngân sách trung ương. Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật từ đó thúc đẩy phát triển xã hội. Đồng thời, quy định góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Hoàng Lộc