Có thể nói, chưa khi nào câu chuyện về ngành công nghiệp văn hóa lại được nhắc đến nhiều như hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là vì lĩnh vực này giàu tiềm năng, có khả năng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội song thực tế còn chưa khai thác được thế mạnh vốn có.
Mới đây nhất, trong Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực; hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để…
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực này. Trong đó, đối với địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên lĩnh vực văn hóa đặc biệt nhấn mạnh đến việc chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc Đồng Nai, phù hợp với xu thế thời đại và mang tầm quốc tế. Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ…
Đồng Nai được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa khi có đầy đủ các thế mạnh về di tích, danh thắng, nghệ thuật truyền thống… Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm văn hóa mang bản sắc riêng là điều Đồng Nai vẫn chưa làm được. Bên cạnh đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cũng còn gặp không ít khó khăn nên chưa có những nhà đầu tư, dự án lớn được triển khai trên địa bàn. Đây là vấn đề không chỉ cần tầm nhìn, mà quan trọng hơn là những giải pháp đồng bộ, cụ thể, hiệu quả nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp văn hóa phát triển trong tương lai.
Nguyễn Phượng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202409/khai-thac-loi-the-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-van-hoa-fbb66c1/