Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp trọng điểm, động lực kinh tế của cả nước nhưng cũng là khu vực có sự phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp nông thôn. Kinh tế hàng hóa, nông sản tươi và chế biến sâu ở vùng ĐNB được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới với những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan gian hàng sản phẩm của nông dân Đồng Nai tại Hội nghị Giao ban công tác hội và Phong trào Nông dân tại Cụm thi đua số 4 tổ chức ở thành phố Biên Hòa ngày 29-11. Ảnh: V.Gia |
Để nông dân phát triển kinh tế, mạnh dạn làm ăn, làm giàu, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hội nông dân các địa phương trong vùng đã nỗ lực triển khai các chương trình kết nối, hỗ trợ.
Tăng cường các giải pháp kết nối hỗ trợ
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cho hay, đơn vị đẩy mạnh Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, có gần 46,3 ngàn hộ đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2024. Hội viên nông dân trong tỉnh cũng đã hỗ trợ 348 hộ có hoàn cảnh khó khăn với 4,5 ngàn ngày công, hỗ trợ vật tư (cây, con giống), lương thực… để ổn định cuộc sống.
Năm 2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã được cấp bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt hơn 173 tỷ đồng, cho vay 321 dự án của nông dân.
Đồng Nai cũng chú trọng các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh, qua đó nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong xây dựng mô hình, đồng thời hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ, quảng bá nông sản.
Đối với tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đỗ Ngọc Huy thông tin, các thành quả đạt được như tổ chức triển khai Chương trình Liên kết 6 nhà, tạo chuỗi liên kết hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nông sản giai đoạn 2024-2028; ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với các địa phương: Hà Nội, Bình Phước, Lào Cai, Tiền Giang… nhằm trao đổi kinh nghiệm phát triển; phối hợp với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ vốn cho nông dân…
Tương tự, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm 2024 hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng 16 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 5 mô hình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình hợp tác, liên kết để sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hóa, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hàng hóa nông sản, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm…
Phải nỗ lực để thay đổi
Do đặc thù kinh tế – xã hội mỗi địa phương khác nhau nên các chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân cũng có những hoạt động và kết quả khác nhau. Trên thực tế, tình hình chung hiện nay là thị trường hàng hóa của nông dân, nông nghiệp vẫn chưa ổn định, làm ảnh hưởng đến thu nhập và việc đầu tư phát triển mở rộng sản xuất. Việc hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn chưa đều; việc tuyên truyền, vận động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh cao còn chậm.
Tình hình đó đòi hỏi phải có sự thay đổi để phát triển. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, điểm nhấn nổi bật trong năm qua là ra mắt được Câu lạc bộ Sản phẩm OCOP của thành phố trên địa bàn huyện Bình Chánh với 24 hội viên. Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đưa 35 cán bộ, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Đài Loan và Nhật Bản; 118 cán bộ, nông dân học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh, thành phố trong nước nhằm tạo cho các điển hình có thêm động lực mở rộng sản xuất, kinh doanh và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng, để tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố thì cần có chương trình phối hợp trong công tác hội và Phong trào Nông dân; đặc biệt là ký kết phối hợp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tổ chức các hoạt động an sinh xã hội giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn nhằm triển khai tốt nền tảng số (App Nông dân Việt Nam), điều này cho phép các nông dân dễ tiếp cận thông tin, nắm bắt các chính sách, chương trình cũng như kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Tại Hội nghị Giao ban công tác hội và Phong trào Nông dân tại Cụm thi đua số 4 (6 tỉnh Đông Nam Bộ cùng với tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận), Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phan Như Nguyện khẳng định phải đổi mới hoạt động để hỗ trợ tốt hơn cho nông dân. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đẩy mạnh việc thực hiện liên kết vùng, nội vùng. Hội nông dân các tỉnh, thành cũng cần xác định thế mạnh, nội dung cụ thể để liên kết, hỗ trợ lẫn nhau cũng như tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thông qua ký kết chương trình phối hợp, đặc biệt là ký kết phối hợp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tổ chức các hoạt động an sinh xã hội giữa các địa phương.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202412/ket-noi-ho-tro-nong-dan-phat-trien-kinh-te-va-tieu-thu-hang-hoa-e4c6b4a/