Khoảng 10 năm nay, Đồng Nai đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu và xuất siêu mỗi năm đều tăng. Cụ thể, năm 2022, Đồng Nai xuất siêu khoảng 5,7 tỷ USD, năm 2023 là 5,93 tỷ USD và năm 2024 hơn 6,7 tỷ USD. Dự kiến xuất siêu của Đồng Nai trong năm 2025 sẽ vượt 7 tỷ USD. Có được kết quả trên là do các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã chú trọng tìm nguồn nguyên liệu trong nước và giảm nhập khẩu.
Từ nhiều năm nay, tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào tỉnh có đến 40-45% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các ngành như: điện tử, dệt may, giày da, máy móc… Đặc biệt, gần 2 năm trở lại đây, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực bán dẫn.
Trước đây, các DN FDI đầu tư vào Đồng Nai sản xuất các sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu, nhưng gần đây DN FDI đã quan tâm đến khách hàng nội địa để tăng thị phần. Điều này giúp cho hàng hóa của Việt Nam tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Đồng thời, DN xuất khẩu hàng hóa vào các nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ dễ dàng hưởng được các ưu đãi về thuế quan. Bởi vì, các nước cùng tham gia hiệp định thương mại tự do đều đưa ra hàng rào kỹ thuật là hàng hóa muốn hưởng thuế phải đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có 60% giá trị thuộc về ngành công nghiệp hỗ trợ, tương đương hơn 10 tỷ USD/năm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai xuất khẩu nhiều là thiết bị máy móc, linh kiện điện tử, phụ tùng cho phương tiện vận tải, xơ sợi dệt, chất dẻo, hóa chất… Trong đó có nhiều sản phẩm DN này ở Đồng Nai xuất khẩu đi, DN khác trên địa bàn tỉnh phải nhập khẩu về. Vì thế, nhiều DN cho hay, nếu tỉnh phối hợp với hiệp hội của các ngành hàng tổ chức kết nối tốt các DN trong và ngoài tỉnh trên cùng lĩnh vực với nhau thì tỷ lệ nội địa hóa cho nhiều sản phẩm sẽ gia tăng. Như vậy, các DN sẽ giảm được nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, có nguồn cung nguyên liệu trong nước, DN sẽ chủ động hơn trong sản xuất, rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển.
Đồng Nai hiện có hơn 2,1 ngàn dự án trong các khu công nghiệp và đa số là xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm để xuất khẩu. Do đó, cơ hội kết nối để cộng sinh, cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau còn rất lớn. Bên cạnh đó, có thể kết nối cộng sinh DN trong vùng Đông Nam Bộ.
Uyển Nhi
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/ket-noi-cac-nganh-de-tang-ty-le-noi-dia-hoa-san-pham-08272ac/