Cả nước hiện có hơn 100 ngàn hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và liên hiệp HTX. Đây là nguồn lực lớn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sản phẩm bền vững. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì khu vực kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể phát triển được chuỗi sản phẩm bền vững, phù hợp xu thế chung của nền kinh tế.
Chuối chuẩn bị được vận chuyển giao cho đối tác xuất khẩu của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Trảng Bom. Ảnh:V.Gia |
Tại Diễn đàn HTX quốc gia năm 2024 do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để thúc đẩy tính liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng trong hệ thống kinh tế tập thể, HTX.
Không nằm ngoài quy luật chung
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, việc phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực kinh tế tập thể, HTX không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các HTX. Và ngược lại, HTX cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng, nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Việc sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Khi xác định kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thì các HTX là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.
Hiện nay, cả nước có hơn 31,7 ngàn HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 ngàn tổ hợp tác. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7-2024, Luật HTX năm 2023 sau khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành. Luật gồm 12 chương, 115 điều với nhiều điểm mới nổi bật, giúp các tổ chức kinh tế tập thể phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.
Không chỉ ở nông nghiệp, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở những lĩnh vực khác. Những HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tiên phong chuyển đổi sẽ có tính thích ứng và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.
Làm tốt sản phẩm thôi chưa đủ mà còn phải giải quyết được vấn đề thị trường. Đây là điều mà Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức trăn trở. Theo ông Đức, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà phân phối, các HTX cần quan tâm nắm bắt 4 xu hướng phát triển nhanh của thương mại hiện đại so với thương mại truyền thống với những chuẩn mực đặc thù. Để đáp ứng những yêu cầu mới trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán hàng không thông qua cửa hàng, việc thay đổi tiêu chuẩn nông sản phù hợp là lựa chọn quan trọng của các tổ chức HTX, các nhà sản xuất hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó, các HTX cũng cần áp dụng nền tảng công nghệ, khoa học kỹ thuật để đi nhanh hơn trong việc phát triển chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm của mình.
Đồng Nai nỗ lực hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi liên kết
Lĩnh vực nông nghiệp là một điểm sáng của chuỗi liên kết trong HTX ở Đồng Nai. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 20 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 106 doanh nghiệp, 63 HTX và hơn 14,4 ngàn trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết.
Lĩnh vực trồng trọt đã xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả Đồng Nai như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi… Lĩnh vực chăn nuôi đang đẩy mạnh chuyển hướng sang chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Trong đó, HTX đã đầu tư công nghệ cao nuôi gà công nghiệp xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản. Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX, cho hay đơn vị đã xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ khi tập hợp được xã viên nông dân và thu hút được sự tham gia của các thành viên là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi; giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến, xuất khẩu…
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng, năm 2024, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ. Hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để các HTX huy động tối đa các nguồn lực tài chính (vay vốn ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, các tổ chức tín dụng, vốn góp của Ban quản trị và đội ngũ cán bộ HTX và thông qua tín dụng nội bộ).
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, chuyển mạnh hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp sang hướng kinh doanh dịch vụ tổng hợp; khuyến khích các HTX cùng ngành nghề sáp nhập để tăng cường năng lực tài chính, quy mô, chất lượng tiến tới thành lập các Liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp” – ông Đỗ Phước Dũng nhấn mạnh.
Văn Gia