Sáng 4-1, Trường đại học Luật TPHCM tổ chức chương trình “One day as a Ulawer” một ngày làm sinh viên luật. Hàng trăm học sinh đã tham gia trải nghiệm một ngày đi học của sinh viên luật.
Học sinh dậy từ 4h sáng để trải nghiệm làm sinh viên luật
Trao đổi với các học sinh tham gia chương trình, PGS.TS Trần Việt Dũng – phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TPHCM – cho biết đây là hoạt động thường niên được nhà trường tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh THPT được trải nghiệm, trực tiếp tìm hiểu về nhà trường, môi trường học tập…
Có mặt từ sáng sớm tại Trường đại học Luật TP.HCM, bạn Hồng Phượng, học sinh Trường THPT Tri Thức (Đồng Nai), chia sẻ: “Mình thức dậy từ 4h sáng đi từ Đồng Nai lên TP.HCM để tham gia chương trình. Mình đã tìm hiểu và dự định đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Luật TP.HCM nên hôm nay đến đây để tìm hiểu thêm về ngành luật thương mại quốc tế của trường”.
Giải đáp nhiều câu hỏi của các bạn học sinh về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và làm sao để có việc làm phù hợp, ông Nguyễn Thành An – trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp nhà trường – khuyên các bạn học sinh cần hiểu được chính mình, xác định nhu cầu bản thân để có thể hoạch định tương lai sắp tới mà chọn ngành học phù hợp.
“Trong quá trình học, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì cần phải trang bị các kỹ năng mềm. Vì kiến thức chỉ chiếm 40%, còn kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mềm như thích ứng với môi trường làm việc, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, và tin học, ngoại ngữ… chiếm đến 60% khi tìm kiếm việc làm.
Bên cạnh đó, mỗi bạn cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cá nhân của mình để có thể tìm được việc làm như mong muốn”, ông An nhấn mạnh.
Tăng mạnh chỉ tiêu, tuyển sinh theo 3 phương thức, mở ngành mới
Chia sẻ với học sinh về phương hướng tuyển sinh năm 2025, PGS.TS Trần Việt Dũng cho biết thêm: “Với mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trong năm 2025 Trường đại học Luật TP.HCM sẽ tăng quy mô đào tạo về cả số lượng và chất lượng. Nhà trường tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh lên 4.000 sinh viên, dự kiến mở thêm một số ngành mới như kinh doanh quốc tế, tài chính – ngân hàng…”.
Theo ThS Vũ Đình Lê – phó giám đốc phụ trách phòng tư vấn tuyển sinh Trường đại học Luật TP.HCM, năm 2025 nhà trường dự kiến sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức:
Phương thức 1: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy chế tuyển sinh của trường.
Phương thức 2: Xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường, gồm 4 đối tượng:
Đối tượng 1: Thí sinh đang học các trường THPT quốc tế đạt đủ các điều kiện:
– Điều kiện 1: Tốt nghiệp tại các trường THPT quốc tế được các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp THPT (văn bằng này phải được công nhận đạt mức tương đương với trình độ đào tạo theo chương trình giáo dục THPT tại Việt Nam theo quy định);
– Điều kiện 2: Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS đạt điểm từ 6,5 trở lên do British Council (BC) hoặc International Development Program (IDP) cấp;
Đối tượng 2: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc kết quả kỳ thi SAT của Mỹ, đạt đủ các điều kiện:
– Điều kiện 1: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp, hoặc tiếng Nhật) hoặc có kết quả kỳ thi SAT, đạt mức điểm như sau:
+ Đối với tiếng Anh: IELTS đạt điểm từ 5,5 trở lên (do British Council (BC) hoặc International Development Program (IDP) cấp); hoặc TOEFL iBT đạt điểm từ 65 trở lên (do Educational Testing Service (ETS) cấp);
+ Đối với tiếng Pháp (chỉ xét tuyển đối với ngành luật): Chứng chỉ DELF đạt từ trình độ B1 trở lên hoặc chứng chỉ TCF đạt điểm từ 300 trở lên/kỹ năng trở lên. Hai loại chứng chỉ này phải do Trung tâm Nghiên cứu sư phạm quốc tế (Centre International d’Etudes Pedagogiques – CIEP) cấp;
+ Đối với tiếng Nhật (chỉ xét tuyển đối với ngành luật): Chứng chỉ JLPT đạt từ trình độ N3 trở lên (do Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation – JF) cấp, trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật);
+ Đối với thí sinh sử dụng kết quả điểm kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) của Mỹ: Đạt điểm từ 1.150/1.600 điểm trở lên.
– Điều kiện 2: Có tổng điểm trung bình cộng của 6 học kỳ THPT (lớp 10, 11 và 12) của 3 môn thuộc tổ hợp của ngành xét tuyển đạt từ 22,5 trở lên (tổng điểm trung bình cộng này được làm tròn đến một chữ số thập phân).
Đối tượng 3: Xét tuyển thí sinh là học sinh học tại các trường có tên trong “Danh sách các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển năm 2024 của Đại học Quốc gia TP.HCM”, đạt đủ các điều kiện:
– Điều kiện 1: Học đủ 3 năm tại các trường có tên trong danh sách nói trên;
– Điều kiện 2: Có kết quả học tập của từng năm lớp 10, 11 và 12 xếp loại tốt và điểm trung bình cộng của 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên (tổng điểm trung bình cộng này được làm tròn đến một chữ số thập phân).
Đối tượng 4: Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực V-SAT.
Phương thức 3: Xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.