(ĐN)- Ngày 26-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường làm trưởng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại UBND tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cùng các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu kết luận. Ảnh: Hoàng Lộc |
Công tác quản lý, sử dụng đất còn nhiều tồn tại
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn có 12 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý, sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 238 ngàn hécta. Trong đó, UBND tỉnh đã công nhận kết quả rà soát gần 199 ngàn hécta và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hơn 163 hécta.
Thực hiện chính sách của Nhà nước, từ năm 2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3716/QĐ-UBND phê duyệt đề án chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2019-2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện lập phương án sử dụng đất; cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; rà soát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm…
Đến nay, có 2 đơn vị hoàn thành việc lập phương án sử dụng đất, 5 đơn vị đã trình thẩm định; 10 đơn vị hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi giải đáp các vấn đề đoàn giám sát nêu. Ảnh: Hoàng Lộc |
Một số tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường là hiện có hơn 1,1 ngàn hécta đất đang bị tranh chấp, lấn chiếm; hơn 6,6 ngàn hécta đất chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; nhiều đơn vị chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất, chưa hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất.
UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn hoặc trình Chính phủ quy định về hình thức sử dụng đất đối với các trường hợp đang sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng. Hướng dẫn cụ thể việc lập phương án sử dụng đất đối với các khu đất thu hồi của công ty nông, lâm nghiệp bàn giao lại cho địa phương.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quy định để xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng giao khoán, sử dụng đất sai mục đích, tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất theo hợp đồng giao khoán, không bàn giao đất khi hết hạn hợp đồng giao khoán, không ký lại hợp đồng khi đã hết hạn hợp đồng…
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm có phương án quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp; nhanh chóng xử lý các vụ việc tranh chấp, lấn chiếm, giao khoán, mượn…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng và đất nông, lâm trường lớn. Những năm trước đây, các nông, lâm trường có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, tạo việc làm và ổn định xã hội. Hiện tại, mô hình này bộc lộ những tồn tại, hạn chế đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất.
Trên cơ sở ý kiến của đoàn giám sát, lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và chủ đất tăng cường công tác quản lý đất đai; hoàn thiện phương án sử dụng đất, thực hiện cắm mốc, làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất đai và hạn chế phát sinh mới.
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý đặt vấn đề về chế độ cho người dân khi thu hồi đất. Anh: Hoàng Lộc |
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các công ty, ban quản lý rừng phòng hộ đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, sử dụng đất nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Điển hình là chưa phê duyệt được phương án quản lý sử dụng đất nông, lâm trường; diện tích đất chưa cấp giấy chứng nhận, tranh chấp còn nhiều.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh rà soát lại số liệu, các vướng mắc và phân loại từng vướng mắc. Nội dung nào chủ đất, người dân kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, sở, ngành, địa phương phải nhanh chóng giải quyết dựa trên lợi ích người dân và đúng quy định pháp luật.
Nội dung nào thuộc về cơ chế chính sách thì kiến nghị rõ ràng, cụ thể quy định cần bổ sung, điều chỉnh.
Đoàn giám sát tiếp thu các kiến nghị, tổng hợp báo cáo và kiến nghị các bộ, ngành, Quốc hội theo thẩm quyền.
Lãnh đạo Tỉnh ủy cũng đề nghị, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh quy định cơ cấu cây trồng ở rừng phòng hộ. Các đơn vị sử dụng đất nông, lâm trường xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi ngành nghề, việc làm cho người lao động khi diện tích đất giảm.
Hoàng Lộc