Cùng với hoạt động của thư viện, các bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang trở thành những điểm tiếp cận tri thức quan trọng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Các em thiếu nhi đọc sách hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2024. Ảnh: L.Na |
Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ cho thấy việc học tập không chỉ phụ thuộc vào trường lớp, sách vở, mà còn từ những hoạt động trải nghiệm, giao lưu, kết nối. Từ đó, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc.
Phát triển về số lượng và nội dung hoạt động
Hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2024, hơn 200 học sinh Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký, thành phố Long Khánh đã có chuyến trải nghiệm thực tế hấp dẫn tại Di tích Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa).
Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký Nguyễn Hoàng Duy chia sẻ, việc tổ chức cho các em học sinh đi tham quan thực tế di tích lịch sử nhằm giúp các em tìm hiểu truyền thống hiếu học của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai; đồng thời, các em được thưởng lãm nhiều tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc, bồi đắp kiến thức mỹ thuật, văn hóa, lịch sử phục vụ cho nhu cầu học tập.
Thiếu tá Dương Khắc Lợi, Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy quân sự thành phố Biên Hòa, cho hay phát triển Phong trào Đọc sách trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang được Ban Chỉ huy quân sự thành phố quan tâm, đặc biệt coi trọng việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các trường học, thư viện tổ chức các hoạt động đọc sách, báo, triển lãm sách…
“Đọc sách, báo là nhu cầu thiết yếu trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trong tháng 10-2024, đơn vị đã chủ động tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến Thư viện Đồng Nai tham quan, đọc sách. Thư viện trưng bày, phục vụ số lượng sách, báo nhiều, đa dạng và phong phú đã giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp cận thêm nhiều nguồn tư liệu, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng sống” – thiếu tá Dương Khắc Lợi nói.
Đồng Nai có hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và các câu lạc bộ phát triển đa dạng đã và đang phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Vài năm trở lại đây, các cơ sở này liên tục đổi mới và mở rộng hoạt động để thu hút công chúng. Các thư viện giờ đây không chỉ là nơi đọc và mượn sách, mà còn trở thành không gian văn hóa với nhiều hoạt động giao lưu, thi tài kiến thức, tiếp cận tri thức số…
Em Trần Thị Hiền Anh, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, chia sẻ: “Đến Thư viện tỉnh, em bất ngờ khi các đầu sách được thư viện thực hiện mã QR, trưng bày như một triển lãm. Không chỉ có sách địa chí mà mã QR còn được thực hiện trên các sách văn học, lịch sử. Rất tiện lợi và dễ dàng sử dụng, em có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi”.
Trong khi đó, các bảo tàng, di tích lịch sử có nhiều hoạt động giáo dục cộng đồng, trưng bày triển lãm… và được tổ chức đồng loạt. Hệ thống nhà văn hóa ấp, khu phố các địa phương đều có tủ sách pháp luật và tủ sách phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, nhiều mô hình thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ văn hóa ra đời từ nguồn xã hội hóa cũng trở thành những điểm đến sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2024, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã xây dựng Đề án Thanh lọc tài nguyên thông tin Thư viện tỉnh. Định kỳ 5 năm/lần (2019-2024), sẽ thanh lọc các tài liệu in thành sách ở kho mượn, kho tra cứu, địa chí, xuất bản phẩm địa phương. Hiện số lượng tài nguyên thông tin tại thư viện có hơn 473 ngàn bản in, 285 bản sách điện tử, 450 tên báo, tạp chí.
Thúc đẩy học tập, nâng cao tri thức
Phó giám đốc Thư viện tỉnh Võ Xuân Lê cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức Tuần lễ Học tập suốt đời, Thư viện tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thu hút bạn đọc đến thư viện nhiều hơn. Thư viện tổ chức trưng bày khoảng 1,5 ngàn bản sách, đồng thời giới thiệu các mã QR sách tạo điều kiện thuận lợi để bạn đọc truy cập, tìm hiểu và đọc sách trực tuyến. Ngoài ra, Thư viện tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức phục vụ lưu động tại các trường học.
Với chủ đề Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời, Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời hiện tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng đến hết năm học 2024-2025. Thư viện tỉnh đã và đang đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhân dân tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như: thư viện thân thiện, thư viện lưu động, thư viện điện tử.
Cùng với học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, hiện Đồng Nai đã triển khai chương trình đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 80% gia đình trên địa bàn tỉnh được công nhận danh hiệu Gia đình học tập; 75% dòng họ, ấp khu phố được công nhận danh hiệu Dòng họ, cộng đồng học tập; 85% cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận danh hiệu Đơn vị học tập…
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn song với trách nhiệm của những người làm công tác thư viện, bảo tàng, quản lý thiết chế văn hóa, trách nhiệm của từng gia đình, dòng họ… đã và đang nỗ lực phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập thông qua sự sáng tạo, tổ chức phục vụ chu đáo, hiệu quả. Từ đó, giúp người dân có cơ hội tiếp cận tri thức, nâng cao dân trí, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202410/hoc-tap-suot-doi-trong-thu-vien-bao-tang-nha-van-hoa-63a7fdc/