Mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản (KTKS) ở thành phố Biên Hòa đã kiến nghị tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Có 3 vướng mắc lớn được nêu ra là: thuê đất, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, đấu giá tiền cấp quyền KTKS.
Khai thác khoáng sản tại cụm mỏ Phước Tân – Tam Phước. Ảnh: Lan Mai |
Lãnh đạo UBND tỉnh đã đối thoại cùng DN, đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tham mưu tháo gỡ để dự án được tiếp tục triển khai.
Dừng hoạt động vì chưa hoàn tất pháp lý
Tháng 2-2024, các Công ty: CP Tân Cang, CP Hóa An, CP Công trình giao thông Đồng Nai, CP Xây dựng công trình giao thông 610, CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Hợp tác xã An Phát đã cùng ký văn bản kiến nghị tỉnh xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án KTKS tại thành phố Biên Hòa.
Kiến nghị nêu rõ, trước khi triển khai dự án, các DN đã thực hiện thủ tục và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, quyết định để đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc về các thủ tục đầu tư, thuê đất và một số pháp lý khác. Hiện đã có DN phải dừng hoạt động và sắp tới sẽ có thêm DN phải dừng hoạt động vì chưa thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nguồn cung ứng vật liệu cho các công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh.
7 mỏ đá gặp vướng mắc về thuê đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu giá tiền cấp quyền KTKS là: Tân Cang 2, Tân Cang 3, Tân Cang 4, Tân Cang 7, Tân Cang 8, Tân Cang 9 và Ấp Miễu.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với DN vào cuối tháng 3-2024, Giám đốc Công ty CP Tân Cang 2 Nguyễn Phi Dũng bày tỏ, hiện các DN gặp 3 vướng mắc lớn là: thuê đất, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, đấu giá tiền cấp quyền KTKS.
Về thuê đất, ông Dũng cho rằng, các dự án KTKS được tự thỏa thuận bồi thường với hộ dân, sau đó làm thủ tục thuê đất nhà nước trả tiền hàng năm. DN đã làm theo các bước trên nhưng khi nộp hồ sơ thuê đất thì các sở, ngành có ý kiến khác nhau về nhu cầu sử dụng đất, hồ sơ bị trả về. Một số thửa đất DN tự thỏa thuận bồi thường với người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy chứng nhận đã hết hạn, dẫn đến khó chuyển mục đích sử dụng.
Đại diện Công ty CP Hóa An chia sẻ, mỏ đá Tân Cang 3 phải dừng hoạt động vì chưa được thuê đất, chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo DN này, đất đã đền bù trước khi có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, nay phải quay lại làm thủ tục với từng hộ dân là rất khó.
Bên cạnh đó, các DN phản ánh, giấy chứng nhận đầu tư đã hoặc gần hết hạn, DN lập hồ sơ xin điều chỉnh nhưng chưa được giải quyết do có sự chồng lấn trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của thành phố Biên Hòa. Các dự án xin mở rộng quy mô đang triển khai nhưng phải dừng, chưa được cấp giấy phép KTKS.
Rà soát các bất cập để xử lý
Hiện có 7/10 mỏ đá tại cụm mỏ Phước Tân – Tam Phước đang gặp các vướng mắc kể trên. Do đó, các DN đồng loạt kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ tháo gỡ để được ký hợp đồng thuê đất; gia hạn thời gian thuê đất và thuê đất bổ sung làm cơ sở xin cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; tổ chức đấu giá tiền cấp quyền KTKS trong năm 2024 đối với các mỏ xin mở rộng trước đây mà đang tạm dừng.
Khai thác khoáng sản tại cụm mỏ Phước Tân – Tam Phước. Ảnh: Lê An |
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, trước đây, khi hình thành cụm mỏ Phước Tân – Tam Phước, tỉnh có chủ trương giao cho các DN nhà nước thực hiện. Sau này, các DN cổ phần hóa, chuyển nhượng dự án nên bản chất không còn như giá trị ban đầu. Giai đoạn ban đầu, việc triển khai dự án áp dụng theo Luật Đất đai năm 2003 và Luật Khoáng sản năm 2005 (Nhà nước thu hồi đất). Tuy nhiên, khi đó các DN lại tự thỏa thuận mua đất, sau đó làm thủ tục thuê đất. Quá trình mua, nhiều thửa đất có mục đích sử dụng khác nhau, thời hạn sử dụng khác nhau dẫn đến vướng mắc khi làm thủ tục chuyển đổi, gia hạn thuê đất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các khó khăn, vướng mắc phát sinh do Luật Đất đai, Luật Khoáng sản chưa đồng bộ, có nhiều thay đổi, trong khi dự án KTKS có thời gian kéo dài. Các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở quy định của pháp luật và vướng mắc thực tế của DN tham mưu tỉnh hướng xử lý.
Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì, cùng với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND thành phố Biên Hòa và các DN rà soát, thống nhất, tham mưu UBND tỉnh xử lý bất cập về: quy hoạch sử dụng đất, gia hạn thời gian sử dụng đất; điều chỉnh chủ trương đầu tư; gia hạn giấy phép. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh hướng dẫn thủ tục đăng ký sử dụng đất.
Hiện nay, nhu cầu vật liệu san lấp, đá rải đường phục vụ các công trình xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, trên địa bàn tỉnh rất lớn. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã có các văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý khó khăn, vướng mắc trong KTKS. Cụ thể là tháo gỡ vướng mắc về pháp luật khoáng sản, đầu tư, đất đai để chủ đầu tư có thể hoàn thiện thủ tục ký hợp đồng thuê đất hoặc có cơ chế đặc thù trong cấp phép KTKS nhưng chưa được giải quyết.
Lê An