Sông Đồng Nai, sông Cái, sông Buông và hệ thống các dòng suối trên địa bàn thành phố Biên Hòa ngoài chức năng tiêu thoát nước, điều hòa khí hậu còn đóng vai trò tạo ra những không gian xanh cho đô thị.
Suối Săn Máu sau khi được nạo vét, chỉnh trang đã trở thành điểm nhấn, mở thêm không gian xanh cho đô thị Biên Hòa. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác tiềm năng của những “mạch máu xanh” đô thị Biên Hòa vẫn chưa thực sự hiệu quả.
* Làm sống lại mạng lưới nguồn nước nội đô
Trên địa bàn thành phố Biên Hòa, ngoài các con sông lớn, còn có hơn 10 dòng suối, trong đó có nhiều dòng chảy qua giữa lòng thành phố như: suối Linh, suối Tân Mai, suối Bà Lúa, suối Chùa…
Suốt một thời gian dài, phần lớn các dòng suối bị ô nhiễm nặng nề. Chức năng lớn nhất của những dòng suối này là giúp tiêu thoát nước cho đô thị Biên Hòa đã từng bị “tước đoạt” khi tình trạng xâm lấn, xây dựng nhà cửa trái phép lấn chiếm lòng suối diễn ra khá phổ biến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước khi trên địa bàn thành phố Biên Hòa có mưa nhiều.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai hiện có 11 đô thị, trong đó thành phố Biên Hòa là đô thị loại I. Các đô thị đang được quan tâm đầu tư phát triển, không gian đô thị ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị như hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quá tải, chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; còn tình trạng xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch, kênh rạch, sông, suối bị lấn chiếm…
Trong khi đó, đơn vị tư vấn lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 cũng đánh giá, thành phố Biên Hòa hiện vẫn chưa khai thác hết lợi thế về quỹ đất và tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc trưng, đặc biệt là hai bên bờ sông Đồng Nai, sông Cái và hệ thống sông ngòi phía Nam thành phố.
Xuất phát từ thực tế trên, trong Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 29-12-2023 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chỉnh trang đô thị tại các đô thị Biên Hòa, Long Khánh và thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 đặt mục tiêu phải làm sống lại mạng lưới nguồn nước nội đô giữ vai trò “mạch máu xanh” của đô thị.
* Khai thác tiềm năng từ hệ thống sông, suối
Suối Săn Máu là một trong những dòng suối lớn chảy giữa lòng đô thị Biên Hòa. Trước đây, khi chưa được nạo vét, xây dựng bờ kè, dòng suối này từng được xem là “dòng suối chết”. Dòng nước đen với mùi hôi thối, những đợt thu gom rác sau mỗi cơn mưa từng là nỗi ám ảnh của những người dân sinh sống dọc hai bên bờ suối Săn Máu.
Hiện nay, thành phố Biên Hòa đang triển khai thực hiện dự án nạo vét, chống ngập khu vực 3 suối gồm: suối Cầu Quan, suối Bà Lúa và suối Chùa (thuộc địa bàn các phường: Long Bình Tân, Long Bình và Phước Tân). |
Hơn 7 năm trước, khi Dự án Nạo vét, cải tạo suối Săn Máu bước đầu hoàn thành, dòng suối này đã được hồi sinh. Từ một “dòng suối chết”, suối Săn Máu đã dần phục hồi, không chỉ đáp ứng vai trò tiêu thoát nước, mà còn góp phần tăng thêm không gian xanh cho đô thị Biên Hòa.
Sau suối Săn Máu, các dòng suối khác trên địa bàn thành phố như: suối Bà Bột, suối Tân Mai, suối Linh cũng được triển khai các dự án nạo vét, chống ngập.
Cùng với đó, các dự án xây dựng kè, đường ven sông đối với sông Đồng Nai, sông Cái cũng đã và đang được triển khai thực hiện. Mục tiêu của các dự án này là bảo vệ các dòng sông, đồng thời tạo lập cảnh quan, không gian xanh cho đô thị Biên Hòa.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho hay, thực tiễn cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều dự án di dời người dân sống dọc các suối, kênh để chỉnh trang đô thị và đã thành công. Do đó, thời gian tới, thành phố Biên Hòa cần tiếp tục thực hiện các dự án nạo vét, chỉnh trang để hệ thống sông, suối trên địa bàn thành phố được trả về với vai trò “mạch máu xanh” của đô thị.
Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Khương Nguyễn Đức Chương cho rằng, đối với không gian đô thị, những dòng suối cũng là đối tượng cần được “làm đẹp”. Bởi khi “làm đẹp” cho những dòng suối, không gian cảnh quan, bộ mặt đô thị cũng sẽ được nâng tầm.
Dẫn chứng cho vấn đề này, kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương cho rằng, dù chưa thực sự “hoàn hảo” nhưng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sau khi thực hiện di dời dân cư, cải tạo đã trở thành một dải xanh tạo điểm nhấn cho đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Do đó, theo ông Chương, đối với những dòng suối tại đô thị Biên Hòa, bên cạnh các dự án nạo vét để trả lại chức năng tiêu thoát nước, điều hòa khí hậu thì cũng cần đi đôi với việc phát triển cảnh quan, tạo thêm mảng xanh cho đô thị.
“Việc tạo cảnh quan cho khu vực các tuyến suối nội thị cần nguồn lực lớn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây cũng là “nút thắt” lớn cần “lời giải” trong quá trình thực hiện” – kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.
Phạm Tùng