Nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) có thêm các địa chỉ để thực hành biểu diễn, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đã và đang nỗ lực đưa những chương trình nghệ thuật, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ về phục vụ tại các thiết chế văn hóa.
Học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn âm nhạc dân tộc, phục vụ cộng đồng tại công viên Biên Hùng (thành phố Biên Hòa). Ảnh: L.Na |
Không chỉ gìn giữ, phát huy bản sắc truyền thống, các chương trình nghệ thuật còn góp phần lan tỏa rộng hơn âm nhạc dân tộc, kết nối với cộng đồng, nhất là những người trẻ.
* Đưa âm nhạc truyền thống vào thiết chế văn hóa
Những ngày cuối tháng 3, HSSV Trường trung cấp VHNT Đồng Nai tích cực tham gia các đêm diễn, đưa âm nhạc dân tộc đến với người dân tại những không gian văn hóa công cộng. Ngoài các tiết mục ca múa nhạc sôi động, HSSV của trường còn biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu, violon, song tấu trống, độc tấu kèn… nhằm tạo sự phong phú, hấp dẫn.
Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Đồng Nai Phùng Ngọc Long cho biết, từ nhiều năm nay, nhà trường đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương để đưa âm nhạc và nghệ thuật đến với cộng đồng, nhất là với đối tượng học sinh trên địa bàn tỉnh. Ngoài biểu diễn tại công viên Dương Tử Giang, công viên Biên Hùng và phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, trong năm 2024, nhà trường sẽ tổ chức biểu diễn tại nhiều điểm như: công viên Văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom); trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng; nhà văn hóa các dân tộc tại 11 huyện, thành phố…
“Các không gian văn hóa công cộng, thiết chế văn hóa cơ sở… là những “địa chỉ” nhà trường chú trọng để đưa âm nhạc truyền thống vào phục vụ cộng đồng. Không chỉ tạo điều kiện cho học sinh có điểm thực hành biểu diễn, rèn luyện kỹ năng, giao lưu với khán giả, mà các chương trình còn góp phần tăng cường nhận thức và sự tôn trọng âm nhạc dân tộc, gìn giữ bản sắc âm nhạc truyền thống” – thạc sĩ Phùng Ngọc Long nói.
Mặc dù cơ sở vật chất tại các điểm biểu diễn không đầy đủ và hoành tráng nhưng các chương trình âm nhạc, nghệ thuật của Trường trung cấp VHNT Đồng Nai vẫn thu hút khá đông khán giả đến xem, cổ vũ. Các buổi diễn tạo điểm nhấn cho không gian văn hóa, thu hút người dân đến thiết chế văn hóa để sinh hoạt. Nhiều khán giả tỏ ra thích thú, sử dụng điện thoại di động để chia sẻ hình ảnh, clip biểu diễn lên mạng xã hội, giới thiệu âm nhạc dân tộc của Đồng Nai.
Tham gia nhiều chương trình biểu diễn phục vụ cộng đồng, anh Nguyễn Huy Quyền, học sinh của Trường trung cấp VHNT Đồng Nai, bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi cùng âm nhạc truyền năng lượng tích cực đến với mọi người. Trải nghiệm cùng đàn, hát và tương tác với khán giả, được khán giả cổ vũ nhiệt tình thật thú vị. Với tôi, đây là động lực để bản thân tiếp tục tham gia các buổi diễn, đưa âm nhạc, nghệ thuật phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh”.
Thạc sĩ PHÙNG NGỌC LONG, Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Đồng Nai, chia sẻ: “Ngoài đào tạo chính quy các chuyên ngành nghệ thuật, hiện nhà trường còn liên kết với Trường đại học Văn hóa và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo các lớp sư phạm âm nhạc, đại học văn bằng 2 chuyên ngành quản lý văn hóa. Các lớp liên kết thu hút HSSV đăng ký theo học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.
* Tìm kiếm các năng khiếu âm nhạc
Theo thạc sĩ Phùng Ngọc Long, song song với hoạt động biểu diễn, ngay từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học mới. Xác định tìm kiếm học sinh có năng khiếu theo học các chuyên ngành nghệ thuật ngày càng khó, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đi tiền trạm, khảo sát các điểm tư vấn tuyển sinh tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó, nhà trường chú trọng vùng đồng bào có đông dân tộc sinh sống.
Người dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa xem học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật. Ảnh: L.Na |
“Từ tháng 5 đến tháng 7, nhà trường sẽ đi tư vấn tuyển sinh ở cơ sở, tìm kiếm các học sinh năng khiếu theo học 4 khoa: Âm nhạc truyền thống, Âm nhạc phương Tây, Thanh nhạc và Múa. Trong mỗi chuyến đi, nhà trường kết hợp biểu diễn âm nhạc, nhất là nhạc cụ truyền thống phục vụ nhu cầu tìm hiểu các ngành học của học sinh và phụ huynh. Bởi việc tìm kiếm, phát hiện ra năng khiếu âm nhạc ở lứa tuổi nhỏ rất quan trọng. Đây là tiền đề để ươm mầm, đào tạo, giúp các em theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp” – thạc sĩ Phùng Ngọc Long chia sẻ.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu các chuyên ngành nghệ thuật đang đào tạo, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giới thiệu các chương trình âm nhạc, tiết mục nghệ thuật hấp dẫn lên mạng xã hội. Thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành học và những chính sách ưu đãi cho học sinh, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục được nhà trường đăng tải rộng rãi trên website của trường để học sinh thuận lợi liên lạc và đăng ký.
Ly Na