Đồng Nai đã ban hành Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của tỉnh là giảm dần phát thải, tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững. Đây cũng là cam kết của Chính phủ với quốc tế về việc giảm dần phát thải về 0 vào năm 2050.
Thời gian để hoàn thành mục tiêu không phát thải là hơn 25 năm. Trong khoảng thời gian đó, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước sẽ cùng liên kết thực hiện lộ trình giảm phát thải trên tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, đô thị, tiêu dùng…
Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam và là một trong 5 địa phương có kinh tế phát triển nhất nên tham gia vào kinh tế xanh là điều tất yếu. Trong hành trình cắt giảm khí thải, tiến đến net zero, tỉnh có những lợi thế, song cũng nhiều thách thức. Đơn cử, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều khu đã đi vào hoạt động 20-30 năm. Thời điểm các khu công nghiệp đi vào hoạt động, những quy định về môi trường chưa đòi hỏi cao nên đó cũng là bất lợi lớn cho tỉnh trong việc cắt giảm dần khí thải và chuyển đổi sang sản xuất xanh. Công nghiệp phát triển sớm nên Đồng Nai thu hút nhiều lao động các từ tỉnh, thành về sinh sống và làm việc. Bên cạnh những đóng góp của người lao động cho tỉnh trong tăng trường kinh tế cũng đi kèm hàng loạt khó khăn như: quá tải về hạ tầng kỹ thuật, rác thải, nước thải phải xử lý cũng nhiều hơn. Đồng Nai là tỉnh có chăn nuôi phát triển nhất cả nước nên nguy cơ về ô nhiễm môi trường cũng cao hơn.
Những thách thức đó đòi hỏi tỉnh phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn, giảm dần khí thải.
Bên cạnh các khó khăn, tỉnh cũng có những lợi thế để đi nhanh trong cắt giảm khí thải và sớm về đích net zero. Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, môi trường đầu tư thuận lợi, Đồng Nai sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào sản xuất xanh trên các lĩnh vực. Tỉnh có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động và hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu. Theo yêu cầu của các nhãn hàng quốc tế, sản phẩm muốn xuất khẩu phải tham gia vào lộ trình giảm phát thải. Vì thế, những nhà máy đi đầu trong sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, sản xuất xanh sẽ thuận lợi hơn trong xuất khẩu. Do đó, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã đi đầu trong chuyển đổi công nghệ để giảm phát thải và tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn.
Theo lãnh đạo tỉnh, trên con đường đi đến net zero đòi hỏi tất cả cộng đồng phải cùng tham gia, bởi đây là giải pháp chính để thích ứng và làm chậm lại diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Khánh Minh