(ĐN)- Mới đây thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh đã có thư ngỏ gửi toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh để kêu gọi mọi người nâng cao cảnh giác, phòng ngừa với loại tội phạm này.
Những cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng được Công an thành phố Biên Hòa thông tin đến người dân qua các kênh thông tin. Ảnh: CTV |
Theo thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, thời gian qua, công tác tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc sử dụng rộng rãi các giao dịch điện tử trực tuyến trong giao thương, mua bán, loại tội phạm này diễn biến rất phức tạp, khó lường, có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn ra với một số thủ đoạn phổ biến như: giả danh lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, công an, quân đội, tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng, viễn thông… để gọi điện lừa đảo; tuyển việc làm online, cộng tác viên làm việc cho các sàn thương mại điện tử; lôi kéo đầu tư chứng khoán, tiền ảo…. chiếm quyền đăng nhập tài khoản mạng xã hội (như: Facebook, Zalo, Telegram…) nhắn tin mượn tiền; kết bạn qua mạng, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao để lừa người dân nộp tiền, chiếm đoạt; lừa người dân cài đặt các ứng dụng lạ chứa mã độc (app thuế, app VNeID, app Bộ Công an…); đăng quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo… Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện việc sử dụng AI (deepfake), giả mạo các cuộc gọi video, giọng nói để lừa đảo.
Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Người dân không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn do người lạ gửi đến có nội dung liên quan vụ việc, vụ án…; không tin vào những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc, lợi nhuận phi thực tế mà không tốn sức lao động, lời mời “việc nhẹ, lương cao”…; không kết bạn với người lạ qua mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh CCCD của bản thân; không bấm vào đường link lạ….. để đối tượng có thể lợi dụng. Trước khi chuyển tiền cho đối tượng nhắn tin qua mạng xã hội thì phải xác minh thông tin bằng cách gọi điện thoại cho người nhận tiền để xác thực.
Lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân thường xuyên tìm hiểu các phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng được đăng tải trên các kênh thông tin của Công an tỉnh.
Đồng thời, chia sẻ, tuyên truyền cho mọi người chủ động phòng tránh, thực hiện tố giác với cơ quan công an gần nhất hoặc liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh (địa chỉ số 1374, đường Phạm Văn Thuận, khu phố 3, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa) qua số điện thoại: 0251.3685134.
Trần Danh