Sáng 12-11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá phần trả lời chất vấn của bà Đào Hồng Lan thẳng thắn, nắm chắc vấn đề.
Vẫn còn tình trạng mua thuốc dễ như mua… rau
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Q.H |
Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) chất vấn Bộ trưởng Đào Hồng Lan về trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng trong công tác quản lý các nhà thuốc. Bởi hiện nay có tình trạng nhiều nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn không có đơn vẫn được bán một cách tràn lan.
Bà Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định, người chịu trách nhiệm về chuyên môn dược tại các cơ sở kinh doanh thuốc chịu trách nhiệm trước pháp luật. Luật Dược đã quy định nghiêm cấm hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc; xử lý người chịu trách nhiệm chuyên môn vắng mặt tại cơ sở số tiền 5 triệu đồng.
“Thời gian qua ngành y tế đã tăng cường quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc. Cách đây mấy ngày, tôi đã đeo khẩu trang để ra nhà thuốc ở gần nhà để mua thuốc thuộc diện thuốc kê đơn thì chị bán thuốc nói thuốc này phải có đơn mới bán được”- bà Lan nói.
Mặc dù vậy, theo bà Đào Hồng Lan, vẫn còn nơi này nơi khác thực hiện sai các quy định hiện hành.
Trả lời đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) về quản lý các phòng khám tư nhân, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở được cấp một giấy phép duy nhất để hành nghề, và phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực.
“Nhân lực ở cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc phải làm toàn thời gian, người hành nghề phải có đăng ký hành nghề và không được hành nghề tại 2 cơ cở trong cùng một thời gian. Vì vậy, nếu người hành nghề đã làm toàn thời gian ở một cơ sở khám chữa bệnh mà sau đó cơ sở này bị đình chỉ thì đương nhiên không thể làm ngay cho một cơ sở khác, mà phải chấm dứt hợp đồng lao động ở cơ sở vừa vi phạm”- bà Lan cho hay.
Thực tế, bà Lan cho biết có cơ sở bị đình chỉ gắn với lỗi của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh đó. Tùy theo vi phạm, người chịu trách nhiệm chuyên môn có thể bị tước giấy phép hành nghề, muốn hoạt động ngay phải có thời gian cấp lại giấy phép.
Theo Bộ trưởng Y tế, phản ánh của đại biểu là thực tiễn và trong quy trình triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ sẽ chú ý hơn để các cơ sở tránh bị lạm dụng, lợi dụng, kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở khám chữa bệnh.
Làm gì để 3 “chân kiềng” của ngành y tế phát triển?
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Ảnh: H.D |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra nhận định “cả 3 chân kiềng của ngành y tế gồm dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang rất khó khăn”. Bà hỏi Bộ trưởng Đào Hồng Lan về những giải pháp đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn, ví dụ về tình trạng thiếu thuốc triền miên khiến bệnh nhân phải tự đi mua thuốc bên ngoài.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đặt câu hỏi về vấn đề xã hội hóa y tế, tăng ngân sách đầu tư cho y tế, năng lực của ngành y tế nếu các dịch bệnh quay trở lại.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn nhìn nhận, 3 chân kiềng của ngành y tế đều đang khó khăn. Dự phòng, điều trị, cung ứng đang là 3 lĩnh vực rất lớn của ngành y tế. Để củng cố ngành y tế sau dịch Covid-19, Thủ tướng, Quốc hội đã có nhiều chỉ đạo. Trong đó, ngành Y tế đã chủ động rà soát, đánh giá lại hệ thống pháp luật xem còn hạn chế, khó khăn, lúng túng nào, quy định nào chưa đúng quy định để đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng Luật Dự phòng. Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi 2023 cũng đã giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn tại trước đây. Luật Dược, Đấu thầu đã được Chính phủ thông qua, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho công tác phát triển y tế. Ngoài ra, Chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chiến lược dược, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở cũng đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám, chữa bệnh, cung ứng.
Về tình trạng bệnh viện thiếu thuốc khiến bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22 để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Người bệnh sẽ được thanh toán tiền thuốc nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Về công tác dự phòng, sau đại dịch Covid-19, nhiều dịch bệnh bùng phát, Chính phủ và Quốc hội đã khôi phục chương trình Tiêm chủng mở rộng, phối hợp mua sắm vaccine, triển khai tiêm vaccine sởi. Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để được hỗ trợ hơn 1,3 triệu vaccine sởi để tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi tại nhiều địa phương, cho phép tiêm cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Vấn đề xã hội hóa y tế tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định, tránh lặp lại trước đây có nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến liên doanh, liên kết, xã hội hóa y tế. Ngành y tế tiếp tục huy động nguồn lực của y tế tư nhân để tham gia khám, chữa bệnh, đem lại lợi ích cho người bệnh.
Để nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đề xuất bác sĩ sau khi ra trường sẽ được xếp lương bậc 2 thay vì bậc 1 như hiện nay.
“Nếu dịch bệnh quay lại, ngành y tế chắc chắn phải làm, ứng phó. Ngành đang nỗ lực để triển khai các giải pháp để củng cố năng lực y tế. Trước khó khăn, thách thức về dịch bệnh, thiên tai sẽ không chùn bước” – bà Lan nhấn mạnh.
Ngành y tế không đơn độc
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham dự phiên chất vấn. Ảnh: Q.H |
Báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan trên lĩnh vực y tế, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, đây là những vấn đề hết sức thiết thực, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, thậm chí còn một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận như chưa khắc phục được triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, chậm xử lý một số dự án, vướng mắc, bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng, phòng chống tác hại của thuốc lá.
Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành y tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan địa phương liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ đã tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng trình Quốc hội nhiều dự án Luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đôn đốc, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện tại các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.
Phó thủ tướng Chính phủ trân trọng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tích cực xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra, để ngành y tế không đơn độc trong thực hiện sứ mệnh quan trọng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, trong đại dịch Covid-19, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong cơn bão số 3 vừa qua, ngành y tế cũng mất 1 cán bộ y tế. Bộ Y tế đã đề nghị với các cấp, bộ ngành liên quan về việc công nhận liệt sĩ với các cán bộ y tế hy sinh trong khi làm nhiệm vụ nhưng đến nay chưa đáp ứng đủ các điều kiện. Đây là thiệt thòi của cán bộ y tế khi tham gia phòng chống dịch, đối mặt với thiên tai, rất mong được các cấp giải quyết.
Hạnh Dung
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/giai-phap-nao-de-3-chan-kieng-cua-nganh-y-te-thuc-su-vung-7181faf/