Đồng Nai có sông, có núi, có rừng, có hồ, lại là trung tâm kết nối vùng Nam Bộ với Tây Nguyên và duyên hải miền Trung… Đây là những lợi thế để phát triển du dịch. Thế nhưng, sự phát triển “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Du khách tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm rừng tại huyện Định Quán. Ảnh: Nho Kiên |
Giải pháp đặt ra là cần đa dạng sản phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển hạ tầng du lịch và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án du lịch mới.
* Doanh thu chỉ đạt 50%
Báo cáo tại Hội nghị Giao ban về phát triển du lịch diễn ra ngày 20-3, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, năm qua, mặc dù ngành du lịch tỉnh có bước phục hồi và phát triển, lượng khách và doanh thu du lịch tăng so với năm 2022 nhưng các chỉ tiêu nghị quyết về du lịch chưa đạt. Cụ thể, doanh thu du lịch là 1,7 ngàn tỷ đồng, đạt 50%; đón khách nội địa hơn 2,6 triệu người, đạt 65%; bình quân chi tiêu của du khách 620 ngàn đồng/người, đạt 75% chỉ tiêu nghị quyết.
Cũng theo bà Loan, năm 2023, hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch có tăng nhưng còn thấp. Tại các khu, điểm du lịch hiện hữu chưa có sản phẩm, dịch vụ mới đặc sắc để hút khách. Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đã có chủ trương nhưng chưa triển khai hoặc làm chậm. Các dự án được triển khai theo hình thức thuê môi trường rừng gặp nhiều khó khăn do quy định của Luật Lâm nghiệp chưa đầy đủ. Nhân lực và quảng bá du lịch cũng còn hạn chế.
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (huyện Vĩnh Cửu) Thân Văn Linh cho rằng, xu hướng nhu cầu du khách hiện nay là thích khám phá, trải nghiệm đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Đây cũng là lĩnh vực công ty tập trung khai thác tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Tuy nhiên, bất cập hiện nay là khu nhà dài thường xuyên đóng cửa; một số nét đẹp văn hóa bản địa như lễ hội, nghề dệt dần mai một.
Ông Linh kiến nghị, doanh nghiệp du lịch có thể kết hợp với người dân địa phương đầu tư các homestay để nhà dài trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của người dân, điểm du lịch cộng đồng. Tỉnh có chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn các lễ hội, nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo để mỗi người dân bản địa là một hướng dẫn viên du lịch cộng đồng.
“Tà Lài xây dựng được sản phẩm du lịch lễ hội chắc chắn sẽ thu hút được đông du khách” – ông Linh chia sẻ.
Phó tổng giám đốc Công ty CP The Coi Đồng Nai (huyện Định Quán) Đoàn Anh Tuấn cho biết, từ năm 2017, công ty đã theo đuổi dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại huyện Định Quán. Đơn vị đã làm hết các thủ tục mà cơ quan chức năng yêu cầu; đã thuê chuyên gia Nga, Pháp, Đức thiết kế dự án du lịch sinh thái với các mục tiêu: bảo tồn và tôn tạo thiên nhiên, tạo môi trường nghỉ dưỡng tốt, tạo việc làm cho người dân địa phương… Thế nhưng, ròng rã 8 năm rồi mà công ty chưa được ký hợp đồng với chủ rừng.
“Tôi rất lấy làm tiếc bởi tiềm năng du lịch của tỉnh lớn, doanh nghiệp tâm huyết nhưng không tạo ra được sản phẩm để thu hút du khách, cạnh tranh được với các tỉnh. Tôi rất mong chính quyền tích cực tháo gỡ các vướng mắc về xây dựng, đất rừng để công ty sớm ký hợp đồng, triển khai dự án, góp phần phát triển du lịch tỉnh” – ông Tuấn kiến nghị.
* Cần đa dạng sản phẩm, cải thiện chất lượng
Theo các doanh nghiệp lữ hành, vấn đề của du lịch Đồng Nai là thiếu sản phẩm đặc trưng và chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch (phương tiện giao thông, nơi lưu trú) quanh các điểm đến còn hạn chế, ít có hoạt động văn hóa văn nghệ đi kèm, ẩm thực phục vụ du lịch chưa đa dạng… Đó là lý do bình quân khách du lịch đến Đồng Nai chỉ tốn hơn 600 ngàn đồng/người, tương đương vé đi cáp treo lên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) hay vé vào cổng Khu du lịch Sơn Tiên…
Năm 2024 ngành du lịch tỉnh phấn đấu đón 3,4 triệu lượt khách, tăng 23%; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 2,4 ngàn tỷ đồng, tăng 41%; chi tiêu bình quân khách du lịch 700 ngàn đồng/người, tăng 80 ngàn đồng/người so với năm 2023. |
Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu khách du lịch tăng hơn 23%, doanh thu du lịch tăng 41% so với năm 2023. Nhìn vào con số tăng trưởng thì thấy lớn, nhưng nếu so với tổng thu ngân sách (hơn 58 ngàn tỷ đồng năm 2023) thì doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Giải pháp ngành du lịch tỉnh tập trung trong năm nay là tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, trong đó có dự án xây dựng khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại cao cấp. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các khu, điểm du lịch hiện hữu đầu tư, cải tạo nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tập trung phát triển: du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa – tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghề, kiến thức về du lịch cho người lao động tại cơ sở du lịch và cộng đồng dân cư…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, năm qua, ngành du lịch tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là sự tăng trưởng về doanh thu, về lượng khách nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong đợi. Năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, bao gồm cả hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và tháo gỡ khó khăn để dự án du lịch mới được khởi công. Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, quan tâm đào tạo nhân lực du lịch chất lượng; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, định hướng phát triển du lịch của tỉnh đến các nhà đầu tư, du khách.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, Đồng Nai có xuất phát điểm về du lịch thấp, sản phẩm còn ít, dịch vụ còn hạn chế. Tỉnh cần tập trung vào 2 dòng sản phẩm du lịch, một là du lịch bình dân, phục vụ người dân, công nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận; hai là du lịch cao cấp để cạnh tranh với các tỉnh và thu hút khách quốc tế.
Để du lịch Đồng Nai từng bước tăng trưởng, lãnh đạo Tỉnh ủy cho rằng, cần chú trọng nâng cấp, phát triển các dịch vụ và sản phẩm chất lượng. Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử.
Ban Mai