Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy diện tích chỉ chiếm hơn 7% trong tổng diện tích của Việt Nam, nhưng vùng ĐNB đã đóng góp gần 32% trong tổng GDP của cả nước. Vùng luôn dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐNB thì khu vực này còn nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bởi ĐNB có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đa dạng để có thể quy hoạch, mời dọi đầu tư và phát triển nhiều loại hình du lịch. Đơn cử, Đồng Nai có thể phát triển du lịch sinh thái rừng, sông, hồ, thác, du lịch nông nghiệp; Bà Rịa – Vũng Tàu có thể phát triển du lịch biển; Thành phố Hồ Chí Minh phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng…
Theo quy hoạch vùng ĐNB giai đoạn 2021-2030 thì 6 tỉnh, thành trong vùng sẽ liên kết tập trung phát triển du lịch theo từng cụm để khai thác tốt các lợi thế. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương với hạt nhân là hồ Trị An và Vườn quốc gia Cát Tiên; Bình Phước, Tây Ninh với hạt nhân là Bà Rá – Thác Mơ, núi Bà Đen. Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là khu vực động lực phát triển du lịch của quốc gia. Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia (gồm có du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hòa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao). Các địa phương trong vùng liên kết hình thành các trung tâm du lịch quy mô lớn, có sức cạnh tranh với quốc tế.
Dựa vào quy hoạch vùng, hơn 3 năm qua, các địa phương trong vùng ĐNB đã có nhiều chương trình kết nối để các doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm du lịch gặp gỡ, liên kết tạo thành các tour thu hút khách tham quan, nghỉ dưỡng. Do đó, năm 2023, vùng ĐNB đã thu hút hơn 65 triệu lượt khách, tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, doanh thu ngành du lịch trong vùng đạt trên 180 ngàn tỷ đồng, tăng trên 22% so với năm 2022.
ĐNB là vùng kinh tế năng động nên trong phát triển du lịch có những chính sách chưa theo kịp, tạo ra “điểm nghẽn” làm chậm lại quá trình phát triển như vướng mắc về đầu tư, đất đai, xây dựng. Vì thế, ngành du lịch của ĐNB rất cần Chính phủ sớm có những tháo gỡ vướng mắc về chính sách để “ngành công nghiệp không khói” có thể tăng tốc.
Theo một số doanh nghiệp đang có dự tính đầu tư dự án du lịch mới tại ĐNB, nếu các vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng được tháo gỡ thì sẽ có hàng tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này để phát triển thêm các loại hình du lịch mới, hiệu quả cao hơn. Du lịch phát triển sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển như: thương mại dịch vụ, vận tải, nông nghiệp, làng nghề… Thu ngân sách nhà nước từ du lịch của ĐNB và ngành liên quan từ đó cũng sẽ tăng cao.
Khánh Minh