Đồng Nai đang hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Mới đây, tỉnh ban hành Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Đề án Giảm khí thải carbon) và tổ chức Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ phải qua) trao đổi cùng các chuyên gia, doanh nghiệp về phát triển xanh, bền vững. Ảnh: H.Lộc |
Để đảm bảo lộ trình giảm phát thải, Đồng Nai đã mời các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn giúp tỉnh có thể “đi nhanh”, “về sớm” trong cuộc đua net zero.
* Giảm phát thải carbon thấp nhất
Tăng trưởng xanh là xu hướng, con đường phát triển tất yếu của thế giới. Đối với Việt Nam, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết với quốc tế giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Nhằm triển khai hiệu quả cam kết của Chính phủ và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, tháng 2-2024, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Giảm khí thải carbon. Tại đề án này, tỉnh chọn 7 lĩnh vực, lộ trình 4 giai đoạn để đạt net zero vào năm 2050.
Tổng giám đốc Công ty Energy Capital Vietnam (ECV) David Lewis cho rằng, ông đánh giá cao định hướng cũng như nỗ lực của Đồng Nai trong phát triển xanh, bền vững. Việc tỉnh tổ chức hội nghị với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, DN trong và ngoài nước là giải pháp để các cấp, các ngành nhận thức toàn diện về phát triển xanh, từ đó hiểu và đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án. ECV sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển năng lượng xanh tại các khu công nghiệp, kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ tài chính và tín dụng xanh quốc tế. Ông David Lewis đề xuất 3 yếu tố cần có là: cơ sở hạ tầng tốt, nguồn phát điện và lưới điện tin cậy, chính sách đồng bộ.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ InSynerger Ming-Whei Feng thì cho rằng, chi phí để giảm carbon ngày càng tăng, trong khi yêu cầu “xanh” của các nhà nhập khẩu, phân phối ngày một lớn. Lúc này, DN buộc phải thực hiện giảm phát thải hoặc mua tín chỉ carbon. Khu công nghiệp có thể đầu tư các hệ thống năng lượng tái tạo để bán điện xanh và giảm hệ số khí thải cho khách hàng; thành lập nhóm tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ DN cải thiện hiệu quả sử dụng điện và giảm lượng khí thải carbon… Công ty InSynerge có thể hỗ trợ các khu công nghiệp của tỉnh hệ thống quản lý AI để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.
Cố vấn cao cấp Tập đoàn IBM (Mỹ), Chủ tịch Công ty Tesla (công ty về năng lượng và xe điện của Mỹ) Edison Chen cho rằng, net zero là trách nhiệm không thể trốn tránh. Hiện nay, hơn 130 quốc gia đã cam kết hoặc công bố mục tiêu net zero. Dự án của Tesla sẽ hỗ trợ lập danh sách phát thải khí nhà kính, lập kế hoạch và thiết kế nền tảng đăng nhập kiểm kê khí thải để tăng cường tính minh bạch dữ liệu, thu thập các biện pháp kiểm soát giảm phát thải và hỗ trợ biên soạn kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, lập kế hoạch chuyển đổi xanh cho các khu công nghiệp hiện hữu và xây dựng các khu công nghiệp mới ít phát thải.
Theo các chuyên gia, giảm phát thải và phát triển điện sạch là giải pháp quan trọng để tỉnh đạt trung hòa carbon. Việc này cũng giúp các DN giành lợi thế cạnh tranh trong xu hướng tiêu dùng xanh, giúp tỉnh đón dòng vốn xanh và công nghệ hiện đại.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:
Đồng Nai sẽ tiên phong thực hiện giảm khí thải carbon
Đồng Nai là một trong số ít địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và ban hành Đề án Giảm khí thải carbon. Tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai. Những chia sẻ từ chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về tầm nhìn, kinh nghiệm, dự án hỗ trợ để phát triển kinh tế xanh, bền vững là bài học để các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh giải pháp tổng thể triển khai hiệu quả đề án và đạt mục tiêu net zero. UBND tỉnh định kỳ tổ chức đánh giá tiến độ, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện và bổ sung các giải pháp để thực hiện đạt được mục tiêu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI:
Có 4 giai đoạn, 3 hợp phần để giảm phát thải
Cuối tháng 2-2024, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Giảm khí thải carbon. Đề án đặt ra 4 lộ trình cụ thể: giai đoạn 2025-2030 giảm 20%, giai đoạn 2030-2035 giảm 45%, giai đoạn 2035-2045 trung hòa carbon và giai đoạn 2045-2050 phát thải nhà kính bằng 0.
Có 7 ngành nghề, lĩnh vực, khu vực ưu tiên là: năng lượng, giao thông, công nghiệp, môi trường, nông nghiệp, xây dựng và khu đô thị. Có 3 hợp phần phải thực hiện là: nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính; xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp; huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện đề án. Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án.
Hoàng Lộc
* Bước tiên phong từ DN
Gần 10 năm trước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu phát triển theo hướng bền vững. Định hướng này tiếp tục được đưa vào, cụ thể hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và mới đây là Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện tại, nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhất là công nghiệp, đang thực hiện khá tốt định hướng này. Đó là thu hút đầu tư có chọn lọc, từng bước chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, buộc các cơ sở sản xuất tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật và yêu cầu của tỉnh về bảo vệ môi trường.
Phó tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam Hoàng Văn Quốc Chương chia sẻ, một trong 2 mục tiêu quan trọng mà DN đang nỗ lực theo đuổi là giảm 50% tác động môi trường. Các hoạt động giảm thiểu carbon cụ thể là bảo tồn tài nguyên nước, giảm rác thải nhựa, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, DN đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng và giảm khoảng 70% lượng khai thác nước sông; sử dụng lò hơi sinh học và 100% nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp giúp giảm 48% lượng khí thải CO2; đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp cung cấp khoảng 28% tổng điện tiêu thụ và giảm phát thải 1.460 tấn CO2/năm. Những nỗ lực đó đã giúp Ajinomoto Việt Nam từ chỗ chỉ có một nhà máy với sản phẩm duy nhất là bột ngọt, nay có 2 nhà máy, 3 trung tâm phân phối, 66 kho bán hàng khắp cả nước và phát triển 35 loại sản phẩm. 10 năm qua, DN đóng góp hơn 6 ngàn tỷ đồng tiền thuế và đang tạo việc làm cho hơn 2,3 ngàn lao động.
Tương tự, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cũng đi trước và khá thành công trong giảm phát thải. DN đã đưa ra cam kết đồng hành với Đồng Nai, Chính phủ với lộ trình là năm 2025 giảm 20% phát thải, năm 2030 giảm 50% và đến năm 2050 đạt mức phát thải bằng 0. Các giải pháp tập đoàn đang áp dụng là thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê; giảm thiểu, tái chế, thiết kế bao bì dễ dàng tái sử dụng.
Tuy nhiên, Nestlé Việt Nam chia sẻ các khó khăn như: chưa có hướng dẫn chi tiết trong thực hiện lộ trình cắt giảm, đo đạc, báo cáo và kiểm kê giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tiếp cận và sử dụng điện tái tạo để giảm phát thải gián tiếp; chưa có những ưu đãi dành cho các DN đi trước trong lĩnh vực phát triển bền vững. Từ đó, Nestlé Việt Nam kiến nghị tăng cường sự hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện cho DN; có cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào các chương trình giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các dự án về năng lượng sạch; chính quyền lắng nghe những phản hồi và đóng góp từ DN để cùng chung tay hiện thực hóa mục tiêu net zero.
Ban Mai