Tỉnh Đồng Nai đã thống nhất phương án hướng tuyến, số lượng, vị trí các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành đoạn qua địa bàn theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do đơn vị tư vấn lập.
Đồng Nai thống nhất phương án hướng tuyến, số lượng, vị trí đặt các nhà ga đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đơn vị tư vấn. Ảnh minh họa: P.TÙNG |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có các kiến nghị, đề xuất đối với công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Hướng tuyến phù hợp quy hoạch
Giữa năm 2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các đơn vị liên quan tham gia ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành do liên danh đơn vị tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI SOUTH) lập.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành được liên danh tư vấn đề xuất đầu tư có chiều dài 41,83km, trong đó đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 11,7km và qua Đồng Nai dài hơn 30km.
Theo Sở GTVT, trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, đoạn kết nối từ Sân bay Long Thành đến depot và vị trí depot tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành chưa có trong quy hoạch của địa phương.
Sở GTVT Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc góp ý hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành. Trong văn bản do Phó giám đốc Sở GTVT Dương Mạnh Hưng ký, Đồng Nai thống nhất phương án hướng tuyến dự án theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, tuyến đi trên cao, bên trái, trong phạm vi quy hoạch 120m của tuyến đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh (theo hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đồng Nai). Sau đó, rẽ phải, đi trên dải phân cách giữa 7m của tuyến đường tỉnh 25B, vượt quốc lộ 51, bắt đầu đi ngầm, đến nút giao tuyến T1 với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đi theo tuyến T1 để vào Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.
Theo Sở GTVT, hướng tuyến trên cơ bản phù hợp với Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch và quy hoạch sử dụng đất của các huyện Nhơn Trạch, Long Thành.
Riêng đoạn đi trùng với đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, có một số vị trí chồng lấn với ranh giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện của Dự án Đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT rà soát lại để tránh việc chồng lấn với các hạng mục của Dự án Đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn hoàn thiện.
Về vị trí các nhà ga, tỉnh thống nhất việc bố trí 12 ga đoạn qua địa bàn Đồng Nai, trong đó có 8 ga trên cao (từ ga S9-S16) và 4 ga ngầm (từ ga S17-S20). Đồng thời kiến nghị, đối với các ga trên cao cần nghiên cứu bổ sung phần diện tích chiếm dụng đất hai bên của tuyến đường tỉnh 25B, đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh để bố trí các bãi đậu xe, cầu vượt cho người đi bộ kết nối đến ga. Đồng Nai thống nhất phương án bố trí depot với diện tích hơn 21 hécta tại khu vực phía Bắc Sân bay Long Thành, thuộc xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Sở GTVT cho biết, đoạn qua địa bàn tỉnh có đoạn tuyến nằm trong phạm vi tuyến đường tỉnh 25B (từ Km18+500 đến Km29+500) và tuyến T1, kết nối Sân bay Long Thành (từ Km32+500 đến Km45+500). Các dự án này đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đang triển khai thi công.
Do đó, phạm vi ảnh hưởng của tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành không tính diện tích thu hồi đất đối với 23km đi trên tuyến đường tỉnh 25B, tuyến T1 và trong phạm vi sân bay. Chính vì vậy, tỉnh đề nghị tính toán lại diện tích thu hồi đất, loại đất thu hồi của dự án đoạn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Sớm thực hiện dự án để chia sẻ áp lực giao thông
Trong văn bản góp ý gửi Bộ GTVT, Sở GTVT cho biết, hiện khả năng cân đối nguồn vốn của địa phương rất khó khăn do đã tham gia 50% chi phí giải phóng mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và 50% tổng mức đầu tư Dự án Đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh. Địa phương khó có khả năng cân đối cho chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành. Do đó, tỉnh đề nghị sử dụng chi phí giải phóng mặt bằng của dự án này bằng nguồn vốn đầu tư công phân bổ từ nguồn ngân sách trung ương.
Liên quan đến dự án này, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đi kiểm tra, làm việc về tiến độ triển khai Dự án Sân bay Long Thành, hạ tầng kết nối và quy hoạch, phát triển đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận vào đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án để chia sẻ lưu lượng phương tiện cho hệ thống đường bộ. Khi Sân bay Long Thành đưa vào khai thác, dự kiến 70% lượng khách sẽ đi về Thành phố Hồ Chí Minh, áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ là rất lớn.
Phạm Tùng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/dong-nai-thong-nhat-phuong-an-huong-tuyen-duong-sat-thu-thiem-long-thanh-63c0c9f/