Lắng nghe tâm tư của phụ nữ DTTS
Những năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, vai trò của phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã từng bước được khẳng định. Nhiều phụ nữ DTTS đã vượt lên định kiến giới, vận dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế gia đình, góp sức cùng địa phương phát triển kinh tế – xã hội.
Trước đây, gia đình chị Sou A Tah, sinh năm 1976, dân tộc Chăm là một trong những hộ nghèo ở ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Với mong muốn thoát nghèo, được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chị đã mạnh dạn chuyển từ trồng tràm, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ.
Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn và tích cực học hỏi, vườn thanh long của chị Sou A Tah cho hiệu quả kinh tế cao. Từ 1 ha diện tích trồng thanh long ban đầu, đến nay gia đình chị Sou A Tah đã phát triển lên 5 ha.
Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Nai đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 50.979 hội viên thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, với tổng kinh phí 2.556.656 triệu đồng. Vốn vay giải ngân kịp thời, đã tạo điều kiện giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Không dừng lại ở đó, với mục đích là hỗ trợ cộng đồng người Chăm ở Xuân Hưng phát triển kinh tế, chị Sou A Ta đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ thanh long Làng Chăm với 18 thành viên.
Bình quân mỗi năm HTX thu hoạch từ 20 đến 40 tấn/ha thanh long; trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ 500 đến 700 triệu đồng/ha. Theo đó cuộc sống của bà con ngày càng được nâng lên.
Cũng như chị Sou A Tah, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng có nhiều phụ nữ DTTS làm kinh tế giỏi, qua đó khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Đây là những điển hình góp phần lan tỏa phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong phụ nữ DTTS của tỉnh.
Theo bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đồng Nai, để tiếp tục nhân rộng những điển hình như chị Sou A Tah, thời gian qua, các cấp Hội đã thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên người DTTS để giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, thực hiện Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức các hội nghị đối thoại với hội viên ở các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh để lắng nghe tâm tư của hội viên. Đây là những diễn đàn ý nghĩa để phụ nữ DTTS của tỉnh lên tiếng.
Năm 2024, hội nghị đối thoại với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào DTTS đcượ tổ chức tại huyện Tân Phú (ngày 29/8), năm 2023 được tổ chức tại huyện Định Quán (ngày 28/9) – là những địa phương có đông hội viên phụ nữ DTTS của tỉnh.
Tại hội nghị này, các hội viên, phụ nữ vùng đồng bào DTTS đã bày tỏ nhiều ý kiến, với nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của hội viên phụ nữ. Trong đó, có vấn đề vay vốn phát triển kinh tế; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao thu nhập;…
Hội viên phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh cũng đề xuất các cấp, các ngành cần có giải pháp hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trong đồng bào DTTS; hỗ trợ chính sách khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế cho phụ nữ DTTS; đề xuất các cấp, các ngành quan tâm trang bị khu vui chơi, mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại địa phương; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế trẻ em DTTS bỏ học…
Ưu tiên phụ nữ DTTS
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, qua các ý kiến, kiến nghị được ghi nhận tại các hội nghị đối thoại cho thấy, chị em phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc; quan tâm đến các các vấn đề xã hội, nhất là công tác bình đẳng giới, công tác giáo dục, y tế, đào tạo nghề. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao.
Được biết, triển khai Chương trình MTQG 1719, Dự án 8 là một trong những dự án thành phần được tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện sớm nhất. Do phần lớn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn là ngân sách địa phương nên sau khi cấn đối được nguồn vốn, ngày 12/5/2023, UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.
Trong Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 12/5/2023, UBND tỉnh Đồng nai đặt mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; rên 98% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%;…
Theo kế hoạch này, tổng nguồn vốn để thực hiện 09 dự án thành phần trên địa bàn tỉnh là 935,802 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 63,753 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 450,335 tỷ đồng và ngân sách huyện là 90,671 tỷ đồng.
Thông tin tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV năm 2024 (tổ chức ngày 22/11) cho thấy, hiện tỉnh đang rà soát nhu cầu thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023 đối với nội dung Dự án 1: Xây mới, sửa chữa nhà ở và nước sinh hoạt phân tán.
Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 121/KH-UBND, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đăng ký vốn từ nguồn đầu tư công và nguồn sự nghiệp để thực hiện cho giai đoạn 2023 – 2025.
Với việc Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719 được triển khai sớm ngay trong năm 2023, sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 12/5/2023 cho thấy, tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ DTTS.
Sau gần 2 năm thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719, ngoài tổ chức 02 hội nghị đối thoại với hội viên phụ nữ DTTS tại Định Quán và Tân Phú, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức bình đẳng giới tại 14 xã thuộc các huyện: Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất và TP. Long Khánh, với sự tham gia của 1.400 hội viên.
Trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn pháp luật gắn phiên tòa giả định tại các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, với sự tham gia của khoảng 600 hội viên phụ nữ DTTS; thành lập “Tổ truyền thông cộng đồng” và tổ chức hoạt động truyền thông “Xóa bỏ hủ tục tại vùng đồng bào dân tộc” tại xã Phú Bình (huyện Tân Phú) và xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc);…
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, bà Lê Thị Thái, từ các hoạt động thuộc Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719 triển khai trên địa bàn tỉnh đã kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết của phụ nữ, trẻ em ở vùng đồng bào DTTS; góp phần bảo đảm tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đồng Nai: Quan tâm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS