Đồng Nai có tổng diện tích cây ăn trái lớn, trong đó nhiều cây trồng có lợi thế xuất khẩu có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Đây cũng là nhóm cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát vùng trồng sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên |
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển những vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, tỉnh quan tâm hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách nhằm nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng theo chuẩn thị trường xuất khẩu chính ngạch, tăng lợi thế cạnh tranh cho cây ăn trái chủ lực của tỉnh.
Những vùng chuyên canh cây trồng tiền tỷ
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cây trồng lâu năm trên địa bàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt gần 78,3 ngàn hécta. Diện tích, sản lượng các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh cho thu nhập cao đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, tổng diện tích cây chuối đạt gần 16,7 ngàn hécta, sản lượng hơn 186,7 ngàn tấn; cây bưởi có diện tích gần 10,3 ngàn hécta, sản lượng hơn 55,4 ngàn tấn; chôm chôm hơn 9 ngàn hécta, sản lượng gần 153 ngàn tấn; xoài hơn 11,5 ngàn hécta, sản lượng gần 63 ngàn tấn; sầu riêng hơn 12,6 ngàn hécta, sản lượng 53,2 ngàn tấn…
Trong đó, tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh các cây trồng cho thu nhập cả tỷ đồng/hécta, với nhiều loại cây ăn trái cho thu nhập cao, diện tích lớn tốp đầu cả nước.
Tiêu biểu, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối cấy mô xuất khẩu. Diện tích trồng chuối cấy mô xuất khẩu của tỉnh tăng nhanh thời gian gần đây do Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển cây trồng này. Tỉnh có nhiều vùng chuyên canh cây chuối có truyền thống trồng lâu năm, nông dân giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Đặc biệt, một số địa phương của tỉnh có diện tích chuối lớn như Trảng Bom, Thống Nhất là vùng đất đồi, đất đá nhưng lại rất phù hợp cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Nông dân trồng chuối giàu kinh nghiệm và cũng mạnh dạn đầu tư về cây giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cũng như đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất…
Đến nay, 95% diện tích chuối cấy mô trên địa bàn tỉnh được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng. Nguyên nhân khiến nông dân mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích cây trồng này là nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thu hút hàng loạt thương lái, doanh nghiệp về đầu tư kho bãi đóng hàng xuất khẩu. Năm 2023, tổng sản lượng chuối xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 121 ngàn tấn, giá trị gần 1,5 ngàn tỷ đồng.
Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích cây sầu riêng. Đây là cây trồng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh. Năm 2023, Đồng Nai xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng, mang lại nguồn thu 50 triệu USD.
Sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, đem lại thu nhập cao cho nhà vườn với doanh thu từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/hécta/năm, thuộc tốp đầu về lợi nhuận hiện nay. Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh, vụ thu hoạch năm nay, giá sầu riêng luôn đứng ở mức cao, giá đầu mùa có thời điểm 120 ngàn đồng/kg, khi rộ vụ vẫn bán được từ 45-55 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm trở lại đây. Nhờ bán được với giá cao, một hécta sầu riêng đạt năng suất tốt, nông dân có thể thu lợi nhuận tiền tỷ. Theo đó, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục tăng nhanh những vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu.
Định hướng trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, phát triển bền vững theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các giải pháp như phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics. Đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh. Nâng cao chất lượng trái cây tươi xuất khẩu thông qua thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, mở rộng cơ giới hóa. Các khu sơ chế, đóng gói và bảo quản được chuẩn hóa, nâng cấp. An toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo từ vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và công tác kiểm dịch thực vật.
Chuẩn hóa trái cây xuất khẩu
Nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về các vùng chuyên canh cây ăn trái, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung đầu tư và xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp quan tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy phát triển sản xuất như: tổ chức các lớp tập huấn về các quy định trong lĩnh vực giống cây trồng; thực hiện các mô hình trồng bưởi, sầu riêng theo hướng hữu cơ…
Nhiều hội nghị, hội thảo cũng được tổ chức gồm: Hội nghị Sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững; trình UBND tỉnh xem xét ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp đến năm 2030; tiếp tục hỗ trợ duy trì 109 mã số vùng trồng, 50 mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu và 15 mã số vùng trồng theo Luật Trồng trọt để phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Dự án Điều tra, đánh giá chất lượng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững; Đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…
Ngoài ra, công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển dịch vụ nông nghiệp cũng được chú trọng. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật về khuyến nông tỉnh Đồng Nai; ban hành kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng và nhân rộng mô hình các loại cây trồng có hiệu quả được chuyển đổi từ đất trồng lúa…
Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 74 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả với tổng diện tích được nhân rộng thêm hơn 3,1 ngàn hécta với các mô hình thâm canh cây trồng, sản xuất theo VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm… Tiêu biểu như mô hình Nâng cao năng suất, chất lượng vườn sầu riêng phường Xuân Lập (thành phố Long Khánh) với mục đích xây dựng vùng sản xuất sầu riêng theo hướng sản xuất bền vững, an toàn, cho năng suất cao, ổn định, chất lượng tốt, mẫu mã trái đồng đều. Đến nay, năng suất bình quân cây sầu riêng tại đây đạt 20 tấn/hécta, cá biệt có những hộ đạt 30 tấn/hécta, cao hơn nhiều so với trước khi thực hiện mô hình.
Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã được nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 39 vùng trồng nội địa, quy mô 410 hécta, 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô gần 28 ngàn hécta. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand…
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh nhấn mạnh, việc thiết lập mã số vùng trồng, mã số đơn vị đóng gói là đòn bẩy để các thành viên tham gia chuỗi liên kết cùng nhau phát triển kinh tế, hướng tới mở rộng vùng nguyên liệu. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất. Điều quan trọng là khi doanh nghiệp gắn kết với nông dân xây dựng các chuỗi liên kết bền vững sẽ giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/dong-nai-phat-trien-vung-cay-trong-de-xuat-khau-98a7b91/