Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng đang và sắp được triển khai thực hiện, huyện Nhơn Trạch đứng trước thời cơ lớn để “phá vỡ” thế cô lập bấy lâu nay, tạo động lực phát triển mới.
Thi công xây dựng cầu Phước An kết nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch. Ảnh: P.Tùng |
Trong dự thảo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2045, hệ thống giao thông kết nối vùng cũng được xác định là động lực phát triển.
Tăng cường kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh
Huyện Nhơn Trạch có vị trí trung tâm động lực tăng trưởng vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nằm ở phía Đông Nam của đô thị lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Nhơn Trạch được xem là cửa ngõ kết nối quốc tế và các vùng kinh tế trọng điểm trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Dù vậy, cho đến nay, giữa huyện Nhơn Trạch và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có một cầu đường bộ nào kết nối trực tiếp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân “kìm hãm” sự phát triển của Nhơn Trạch hàng chục năm qua.
Cầu Phước An dài gần 4,4km, trong đó phần cầu dài hơn 3,5km. Tiến độ thi công cầu dự kiến là 5 năm, kể từ ngày khởi công. |
Tháng 9-2022, cầu Nhơn Trạch thuộc Dự án Thành phần 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, Dự án Đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh chính thức được khởi công xây dựng. Theo tiến độ, cầu Nhơn Trạch sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Đây sẽ là cầu đường bộ đầu tiên đảm nhận “sứ mệnh” kết nối trực tiếp huyện Nhơn Trạch với Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, theo thống nhất giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, sẽ có thêm 3 cây cầu đường bộ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới để kết nối 2 địa phương. Trong số này, sẽ có 2 cầu đường bộ kết nối trực tiếp giữa huyện Nhơn Trạch với Thành phố Hồ Chí Minh là cầu Cát Lái và cầu Phú Mỹ 2.
Về thời gian thực hiện các dự án, cầu Phú Mỹ 2 được xác định sẽ triển khai đầu tư xây dựng sau năm 2030. Với cầu Cát Lái, 2 địa phương đang tiếp tục bàn bạc để thống nhất thời gian thực hiện.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã đề nghị các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp triển khai các thủ tục để có thể khởi công xây dựng cây cầu này trong năm 2025.
Chờ đợi những “luồng gió mới” thúc đẩy phát triển
Bên cạnh các cầu đường bộ kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn huyện Nhơn Trạch cũng có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng đang triển khai thi công.
Theo kế hoạch, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ hoàn thành thi công và đưa vào khai thác trong năm 2025. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” lớn đối với huyện Nhơn Trạch. Bởi đây không chỉ đơn thuần là dự án có vai trò kết nối huyện Nhơn Trạch với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ mà còn kết nối với khu vực Tây Nam Bộ.
Cùng với đó, đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai thi công cũng sẽ góp thêm động lực phát triển mới khi mối liên kết vùng được thúc đẩy ngày càng chặt chẽ hơn. Theo dự kiến, đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2026.
Tháng 6-2023, dự án Cầu Phước An kết nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch đã chính thức được khởi công xây dựng. Cây cầu trị giá gần 4,9 ngàn tỷ đồng khi hoàn thành xây dựng sẽ là cây cầu quan trọng trong kết nối giao thông của vùng Đông Nam Bộ. Bởi hàng hóa từ cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) có thể lưu thông dọc đường liên cảng đến địa bàn huyện Nhơn Trạch để lên đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây mà không cần phải lưu thông qua quốc lộ 51.
Về phía huyện Nhơn Trạch, để “đón sóng” phát triển từ các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng, địa phương đã triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối với các trục giao thông liên vùng.
Đầu năm 2024, huyện Nhơn Trạch đã cùng lúc khởi công 3 dự án giao thông gồm: đường 25C giai đoạn 1 (đoạn 2), đường Tôn Đức Thắng (đường 25B) và đường Lê Hồng Phong nối dài.
Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết, đây là những dự án hết sức quan trọng, từng bước tạo lập mạng lưới giao thông của địa phương, kết nối với các tuyến giao thông kết nối liên vùng để thúc đẩy phát triển.
“Khi hoàn thành xây dựng các dự án sẽ kết nối các tuyến đường quan trọng trong khu vực như: đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, đường ra cảng Phước An và đường vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Từ đó, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, lưu thông của người dân qua các khu công nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của huyện Nhơn Trạch. Tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương” – ông Nguyễn Thế Phong cho hay.
Phạm Tùng