Bộ Thông tin và truyền thông vừa phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II với chủ đề Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương tham quan triển lãm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ số tại Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II. Ảnh: H.Quân |
Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức nhằm mục đích cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia đầu ngành tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số
Trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, để có thể nâng cao sức cạnh tranh thông qua chuyển đổi công nghệ, nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, các DN và địa phương cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số (CĐS). Trong đó, vấn đề thay đổi nhận thức, tư duy về CĐS, chuyển đổi xanh đóng vai trò tiên quyết, là nền tảng quan trọng và vững chắc góp phần thúc đẩy tiến trình CĐS.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, khi ứng dụng công nghệ số, thay vì đặt trọng tâm vào công nghệ, các DN ứng dụng công nghệ số hãy đặt trọng tâm vào việc muốn thay đổi gì cho DN mình để tạo ra giá trị mới. CĐS là 2 câu chuyện tách bạch rõ ràng, câu chuyện công nghệ và câu chuyện chuyển đổi. Trong đó, câu chuyện chuyển đổi là chính.
Người lãnh đạo không nên bị cuốn vào câu chuyện công nghệ vì đây không phải nghề của người lãnh đạo. Người lãnh đạo tập trung vào việc xác định các vấn đề của tổ chức, hoặc một giải pháp mới trong kinh doanh và ra lệnh dùng công nghệ số để giải quyết, sẵn sàng thay đổi quy trình, cách thức vận hành để đạt hiệu quả, đây mới là đúng nghề, đúng vai của người lãnh đạo. Một khi đã đúng vai, đúng nghề thì việc sẽ dễ đi rất nhiều.
Thực tế trong những năm qua, nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy tiến trình CĐS, lấy người dân, DN làm trung tâm của CĐS, đổi mới sáng tạo…
Tại tỉnh Bình Dương, tỉnh đã có 6 khu công nghiệp đang áp dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Becamex. Tỉnh cũng đang thực hiện CĐS tại 3 nhà máy sản xuất (Orion, Takako, Vinamilk) với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và mạng 5G, giúp DN thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nguồn lực và giảm tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, CĐS trong lĩnh vực logistics cũng được tỉnh chú trọng với các giải pháp tự động hóa kho bãi và dịch vụ giao nhận, nhằm giảm chi phí logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị – công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và CĐS đóng vai trò nòng cốt. Bình Dương mong muốn học hỏi từ những mô hình, sáng kiến hiệu quả để nâng cao năng lực CĐS. Các dự án quy hoạch của tỉnh sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và khuyến khích các sáng kiến đổi mới từ cộng đồng.
Đối với Đồng Nai, tỉnh luôn xác định người dân, DN là trung tâm của CĐS, tăng trưởng xanh. Đây cũng là tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy các DN phát triển bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương THÁI THANH QUÝ: Thông qua Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần này sẽ góp phần xác định rõ hơn con đường phát triển kinh tế tại Việt Nam, từ đó tìm ra những giải pháp sáng tạo, tạo động lực mới cho sự phát triển đột phá và nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu…
Cần chiến lược bài bản
Thời gian qua, hoạt động CĐS quốc gia, kinh tế số, xã hội số đạt được nhiều kết quả tích cực, lan tỏa sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa; tác động đến từng DN, từng người dân, làm thay đổi quan niệm kinh doanh, thói quen, hành vi tiêu dùng, sinh hoạt, học tập, làm việc; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tiếp tục được đẩy mạnh tháo gỡ trong thời gian tới. Kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, phát triển dữ liệu số vẫn cần cải thiện…
Do đó, để thúc đẩy kinh tế số, các địa phương cần xác định những mục tiêu cụ thể, đề ra những chiến lược phát triển mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tế, điều kiện phát triển của mỗi địa phương.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh xác định công nghệ số là động lực chính và cũng là động lực mới để phát triển kinh tế thành phố. Do đó, việc thúc đẩy CĐS, đặc biệt là CĐS cho các DN nhỏ và vừa, phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Qua đó, thành phố chủ trương hỗ trợ, tư vấn giải pháp CĐS cho các DN, tổ chức trên địa bàn, nhất là DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu CĐS để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, để công cuộc CĐS quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.
Cụ thể, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội; xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ để thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hải Quân
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202411/doi-moi-tu-duy-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-02d7381/