ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) dựa trên tác động của họ đến môi trường, xã hội và quản trị. Việc thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG mang lại nhiều lợi ích cho DN như: nâng cao hình ảnh thương hiệu, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Công ty TNHH MTV TMDV Trung Phạm (huyện Long Thành) đang có chiến lược tạo cơ hội cho người trẻ tham gia khởi nghiệp để xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp cùng thắng. Ảnh minh họa: V.GIA |
Ngày càng có nhiều DN quan tâm đến việc thực hành tiêu chí ESG, bắt đầu từ những việc nhỏ đến xây dựng chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều rào cản DN cần nỗ lực vượt qua.
Nhiều doanh nghiệp quan tâm ESG
Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi tại Đồng Nai cũng như Việt Nam. DN này đã đẩy mạnh thực hiện sản xuất bền vững thông qua thể hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường, xã hội và con người. DN xây dựng triết lý 3 lợi ích là: “lợi ích cho đất nước, lợi ích cho người dân và lợi ích cho công ty”. Bên cạnh đó, DN cũng đề ra mục tiêu giảm phát thải đến năm 2050, thực hiện Chiến dịch Net zero nhằm cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo đa dạng sinh học, biến những rác thải từ quy trình sản xuất thành những sản phẩm có giá trị cho môi trường.
Theo ông Chinoros Benjachavakul, Phó tổng giám đốc cao cấp của công ty, C.P. Việt Nam luôn hướng đến phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho đất nước, nhân dân và công nhân viên, công ty. Do đó, DN đã có Quỹ Hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam và thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện và công tác xã hội trên khắp đất nước, góp phần cùng các địa phương thực hiện những chương trình an sinh xã hội.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã coi ESG là chiến lược chủ đạo, bắt buộc trong đầu tư. Dự báo dòng tài sản có tích hợp các yếu tố EGS vào năm 2030 sẽ đạt 50 ngàn tỷ USD, cho thấy tiêu chuẩn này ngày càng trở nên quan trọng với những quốc gia đang theo đuổi phát triển bền vững. |
Với các DN nhỏ và vừa, việc thực hành ESG có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, đơn giản, không tốn quá nhiều chi phí như: tuân thủ pháp luật, trả lương người lao động đúng ngày, trồng cây xanh, tổ chức hoạt động thiện nguyện…
Công ty TNHH MTV TMDV Trung Phạm (ở huyện Long Thành) xác định tiêu chí sản xuất xanh của mình, trong đó có việc sử dụng vật liệu tái chế để sản xuất ra sản phẩm mới.
Ông Phạm Quang Trung, Giám đốc công ty, chia sẻ DN không chỉ phát triển cho riêng mình, mà còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ khác muốn thử sức, khởi nghiệp bằng cách nhượng quyền thương hiệu. Công ty có một chương trình đào tạo miễn phí để trở thành người bán hàng giỏi, nhất là những người muốn phát triển sự nghiệp nhưng thiếu trải nghiệm thực tế. Những người trẻ này sau đó có thể trở thành đối tác để công ty nhượng quyền; khi đó, không cần vốn, mặt bằng lớn mà vẫn có thể hợp tác kinh doanh thông qua việc bán hàng cho DN.
Vẫn còn nhiều rào cản
ESG là sự lựa chọn nhưng cũng là xu thế để hướng đến phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong số 3 yếu tố: môi trường, xã hội và quản trị, mức độ ưu tiên và ảnh hưởng của các yếu tố này đều có ý nghĩa quan trọng như nhau. Những yếu tố này có mối liên hệ chặt chẽ và tác động đến hiệu quả thực hiện của nhau.
Đối với cộng đồng DN, theo bảng khảo sát mức độ sẵn sàng thực hành ESG của các DN vào năm 2022 của PwC Việt Nam (đơn vị chuyên tư vấn, khảo sát chiến lược, hỗ trợ DN) thì có khoảng 40% DN tư nhân, gia đình đã đặt ra cam kết ESG, phản ánh trách nhiệm mạnh mẽ của thế hệ kế thừa tại Việt Nam và khát vọng dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, phần lớn các DN Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG của mình.
Theo Tổng giám đốc PwC Việt Nam Mai Viết Hùng Trân, những rào cản có thể kể đến là thiếu các hướng dẫn cụ thể và rõ ràng cho từng ngành, khiến các DN khó biết bắt đầu từ đâu. Bên cạnh đó, yếu tố chi phí cũng là một trở ngại đáng kể, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn mà không phải DN nào cũng có khả năng hoặc sẵn sàng đầu tư. Một vấn đề nữa là nhận thức, tư duy của các chủ DN cũng là yếu tố quan trọng khi thực hiện ESG, bởi thực tế hiện nay, với các DN quy mô nhỏ và vừa, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản, dài hạn là điều đang thiếu; phần lớn DN đang phải ứng phó với những thách thức ngắn hạn nên chưa thể toàn tâm toàn ý đưa ra các cam kết dài hạn.
Là chủ DN khởi nghiệp, bà Lê Thị Cẩm Vân, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vfarm (ở thành phố Biên Hòa) chuyên các dòng ngành thảo mộc, chia sẻ mục tiêu của DN là cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn đến tất cả mọi người, tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân trồng nguyên liệu, nhất là chị em phụ nữ ở địa phương. Theo bà Vân, để thực hiện được những tiêu chí trở thành DN phát triển bền vững là điều không dễ dàng nếu tính đến câu chuyện lợi nhuận, nhất là đối với những đơn vị mới gia nhập thị trường.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/doanh-nghiep-chu-trong-dua-esg-vao-chien-luoc-kinh-doanh-70e7903/