Vài năm trở lại đây, Chính phủ liên tục ban hành nhiều chính sách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) có lộ trình tham gia vào sản xuất xanh để đạt tăng trưởng xanh, giảm carbon, hướng đến phát triển bền vững.
Đồng Nai là địa phương đi đầu cả nước khi ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 19-2-2024 phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh xác định đến năm 2030 sẽ trở thành nền kinh tế năng động, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tỉnh sẽ lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm, hoàn thành mục tiêu net zero vào năm 2050.
Hiện nay, Đồng Nai có hơn 56 ngàn DN trên các lĩnh vực, mỗi năm có thêm gần 4 ngàn DN thành lập mới. Ước tính đến năm 2030, tỉnh có hơn 80 ngàn DN được thành lập với tổng vốn đăng ký trên 750 ngàn tỷ đồng. Trong tiến trình tham gia vào kinh tế xanh, để đảm bảo tăng trưởng xanh, các DN đóng vai trò rất lớn. Bởi theo cơ cấu kinh tế của Đồng Nai, công nghiệp – xây dựng sẽ chiếm tỷ lệ hơn 60%, dịch vụ hơn 30% và nông – lâm – thủy sản 9%. Sản phẩm công nghiệp của tỉnh hơn 70% xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, yêu cầu DN sản xuất xanh, tuần hoàn càng trở nên cấp thiết hơn. DN muốn xuất khẩu tốt phải “xanh hóa” sản xuất để đáp ứng các tiêu chí. Cụ thể, từ khâu xây dựng nhà xưởng phải đảm bảo tiêu chí xanh, dây chuyền sản xuất ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu cho sản xuất phải thân thiện với môi trường (ưu tiên cho nguyên liệu tái chế), môi trường làm việc cho lao động phải tốt… Nếu DN ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi xanh sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh với các DN cùng lĩnh vực đến từ những nước khác.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn, để đảm bảo tăng trưởng xanh, DN còn gặp nhiều rào cản về chính sách. Điều này cản trở các DN trong “xanh hóa” sản xuất đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng quốc tế. Do đó, các DN Đồng Nai cũng như cả nước mong Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách rõ ràng hơn nữa về tăng trưởng xanh để thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Đồng thời, thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, lãi suất thấp cho DN vay để chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho DN, địa phương trong tiến trình tham gia vào kinh tế xanh…
Khánh Minh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/doanh-nghiep-can-khung-phap-ly-ro-rang-cho-tang-truong-xanh-1ca7df0/