Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, kết thúc thắng lợi sau chín năm với chiến công vang dội “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” vào ngày 7-5-1954.
Đồng bào tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Điện Biên. Ảnh: Huy Anh |
Đường đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến, yêu chuộng hòa bình và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của chính nghĩa. Một tinh thần từ buổi đầu chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” không hề lay chuyển.
Là quá trình trường kỳ kháng chiến, chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ thực dân kéo dài gần một thế kỷ, góp phần kết thúc chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương, mở ra giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị chỉ huy tài ba, thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam – trong tác phẩm Điện Biên Phủ đã viết: “Có thắng lợi của kháng chiến, của Điện Biên Phủ là do Đảng ta đã đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê nin chân chính, nắm vững đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở đường cho nhân dân ta tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam, cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân Việt Nam viết tiếp những trang sử hào hùng mà thực tế lịch sử là minh chứng hùng hồn. |
Trận quyết chiến điểm Điện Biên Phủ kết thúc, Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và chiến thắng này “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).
Trong tác phẩm Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu một bước phát triển mới của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân tôc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội… Chiến thắng Điện Biên Phủ hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người”.
Trên chiến trường Biên Hòa, những chủ trương, quyết sách của cách mạng đã góp phần cùng cả nước để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ tháng 5-1951, Trung ương Cục bố trí chiến trường, Biên Hòa và Thủ Dầu Một hợp thành tỉnh Thủ Biên. Hình thái chiến trường được phân định vùng căn cứ du kích, vùng du kích và vùng tạm chiếm để xây dựng cơ sở đảng, chính quyền. Lực lượng vũ trang được bổ sung cùng với công tác hậu cần, tuyên truyền. Phối hợp với cơ sở mật, cách mạng tấn công vào cơ sở địch vùng tạm chiếm. Hệ thống đồn bót của địch bị tấn công khiến quân lính hoang mang. Công tác binh vận đẩy mạnh làm cho tinh tần binh lính địch rệu rã. Các tuyến hành lang từ Chiến khu Đ đến Biên Hòa, Bà Rịa và vùng lân cận được mở. Chính quyền địch thối động bởi thất bại liên tiếp của Pháp trên chiến trường và bại trận hoàn toàn tại Điện Biên Phủ. Quân dân Biên Hòa cùng đoàn kết, góp phần tạo nên những thắng lợi trên quê hương sau thời gian dài kháng chiến. Chiến thắng 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành niềm vui lớn của cách mạng cả nước “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Ngày 15-8-1954, tại Nhà Nai (Chiến khu Đ) cuộc mít tinh lớn mừng thắng lợi và kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đông Nam Bộ…
Phan Đình Dũng