Những tháng đầu năm, cùng với sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế thì ngành dệt may đã có bước tăng trưởng trở lại. Các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may và Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu dệt may.
Các nhà mua hàng thế giới quy tụ tại một sự kiện ngành dệt may do Bộ Công thương tổ chức cuối tháng 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Gia |
Năm 2024, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Tuy nhiên, trước những yếu tố khó đoán định, việc đạt được mục tiêu này hay không đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN).
* Nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại
Bước sang năm 2024, thị trường dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước.
Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các DN tín hiệu dù chưa thật sự rõ ràng nhưng đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, dần báo hiệu triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024.
Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, năm 2024, các đơn vị trong tập đoàn đã có bước khởi sắc về đơn hàng gia công cho các đối tác. Hiện nhiều DN thành viên Vinatex đã nhận đơn hàng đến tháng 6-2024, trong đó một số đơn vị may đã có đơn hàng đến hết năm nay. Bên cạnh đó, ngành sợi đón nhận nhiều thông tin tích cực khi có nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo.
Tương tự, tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata), từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, việc làm của người lao động ổn định khi có đơn hàng trong suốt quý I và đơn hàng chính vụ đến tháng 8. Trong tháng 4 tới, DN tổ chức đại hội cổ đông thường niên nhằm tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm qua và tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 với sự phấn khởi hơn.
Việc đơn hàng khởi sắc trở lại giúp cho các DN mở rộng biên độ tuyển dụng nhân lực phục vụ sản xuất. Từ ngày 20-2, Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai ra thông báo tuyển dụng 1,2 ngàn lao động tại các nhà máy trực thuộc. Trong đó, riêng 2 khu sản xuất A và B tại thành phố Biên Hòa là 600 công nhân. Công ty TNHH Cibao (thành phố Long Khánh) tuyển 1 ngàn lao động và có hỗ trợ xe đưa rước cho công nhân ở xa. Để tuyển dụng được lao động, DN đưa ra mức thu nhập đến 8,5 triệu đồng/người/tháng cho công nhân mới vào công ty làm việc.
* Vẫn còn nhiều áp lực
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhận định, Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 của thế giới. Xuất khẩu của ngành chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhìn chung, tín hiệu thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự khởi sắc so với năm 2023. Năm 2024, để có thể cán đích kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023, Bộ Công thương sẽ nỗ lực hỗ trợ các DN, đơn vị liên quan trong việc tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa xuất khẩu, xanh hóa ngành dệt may.
Từ ngày 10 đến 13-4 sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt và may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải năm 2024. Sự kiện này quy tụ 1 ngàn đơn vị từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm sẽ giới thiệu những màn trình diễn công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới trong ngành dệt may, tạo cơ hội cho DN Việt tiếp cận và hướng tới xanh hóa sản xuất. |
Mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi trong quý I-2024, song theo đánh giá của các chuyên gia, ngành dệt may vẫn đang đối diện với nhiều áp lực. Có thể còn quá sớm để ngành dệt may lạc quan vì thị trường quốc tế còn nhiều biến động khó đoán. Trong đó, đáng chú ý là những thách thức mới từ “hàng rào kỹ thuật” của các nước nhập khẩu, xung đột tại một số khu vực trên thế giới gia tăng và cạnh tranh giữa các nước có thế mạnh ngày càng gay gắt.
Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vương Đức Anh nhận định, năm 2024, cước vận tải biển vẫn sẽ cao hơn giá nền năm 2023 do xung đột tại Biển Đỏ. Xung đột ở một số nơi trên thế giới vẫn tiếp diễn, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại. Những khó khăn này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam, từ đó tác động đến khách hàng, nhãn hàng đối tác của các DN Việt.
Theo nhiều DN, đơn hàng có dồi dào nhưng giá gia công vẫn rất thấp. Hiện các DN lớn có thể nhận được đủ đơn hàng, nhưng với các DN nhỏ, năng suất thấp có thể vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Văn Gia